Nông nghiệp Yên Châu vượt khó phát triển
Lượt xem: 182
Yên Châu là huyện có diện tích trồng xoài lớn của tỉnh Sơn La với 2.889ha, sản lượng quả năm 2021 ước đạt trên 20.300 tấn, với các giống chủ lực như: xoài đài loan, xoài tròn, xoài hôi và một số loại xoài ghép, trong đó 3 xã trồng xoài tròn là xã Sặp Vạt, Chiềng Pằn, Viêng Lán đã được cục sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý và hệ thống nhận diện thương hiệu xoài Yên Châu. 

        Trong năm 2021, ngành nông nghiệp huyện Yên Châu đã phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức từ thiên tai, dịch bệnh và đặc biệtảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Song với những chủ trương đúng đắn cùng sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp và nhân dân trong huyện đã giúp ngành nông nghiệp đạt nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà.

         Năm 2021, đi qua, ghi dấu nhiều chuyển biến tích cực từ ngành nông nghiệp huyện khi diện tích, năng suất, sản lượng các loại cây ăn quả đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Đến nay, toàn huyện đã có 10.545 ha diện tích cây ăn quả, tăng 430ha so với năm 2020. Trong đó: đã có 674,8 ha cây ăn quả được cấp chứng nhận VietGap, 100ha được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu sang thị trường các nước. Tổng sản lượng quả năm 2021 ước đạt 70.590 tấn. Qua đó, hình thành các vùng chuyên canh, từng bước tạo thương hiệu, đáp ứng nhu cầu thị trường.

          Trong các loại cây ăn quả, cây xoài tiếp tục được coi là cây có thế mạnh là cây chủ lực của huyện. Yên Châu là huyện có diện tích trồng xoài lớn của tỉnh Sơn La với 2.889ha, sản lượng quả năm 2021 ước đạt trên 20.300 tấn, với các giống chủ lực như: xoài đài loan, xoài tròn, xoài hôi và một số loại xoài ghép, trong đó 3 xã trồng xoài tròn là xã Sặp Vạt, Chiềng Pằn, Viêng Lán đã được cục sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý và hệ thống nhận diện thương hiệu xoài Yên Châu. Trong năm, đã có 3.290 tấn quả xoài được xuất khẩu và bán ra thị trường các nước bằng cả đường chính ngạch và tiểu ngạch; cùng 17.100 tấn xoài được tiêu thụ tại thị trường trong nước góp phần đảm bảo thu nhập cho người dân trong bối cảnh tác động của dịch bệnh Covid-19.

         Ông Hà Văn Bia - Bản Văng Lùng, xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu chia sẻ: Gia đình tôi có 5 ha vườn xoài, sản lượng thu khoảng 40 tấn. Trong mùa dịch Covid như năm nay, được huyện tạo điều kiện để tiêu thụ xuất khẩu đi nước ngoài, tuy giá chỉ bằng nửa năm ngoái nhưng dân rất phấn khởi.

         Bên cạnh đó, các hợp tác xã và người dân trồng xoài trên địa bàn huyện đã chủ động điều chỉnh cơ cấu sản xuất, thời vụ sản xuất xoài; tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào rải vụ, giãn vụ, mở rộng diện tích cây trồng áp dụng quy trình VietGAP để đáp ứng các yêu cầu của thị trường. Nhờ đó, sản phẩm xoài năm nay ở Yên Châu cũng được các công ty, doanh nghiệp đến thu mua đánh giá cao về cả chất lượng, lẫn hình thức.

         Bà Nguyễn Bích Ngọc - Giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Trường Mai, huyện Mai Sơn cho biết: Năm nay thị trường xoài Yên Châu thì có khác biệt bà con đã có kỹ thuật chăm bón hơn hẳn năm trước, năm nay Covid nhưng tỷ lệ bao trái lại nhiều hơn. Nói về mẫu mã xoài năm nay, nếu nói về so sánh thì xoài Yên Châu hầu như là đẹp nhất, tỷ lệ xuất khẩu cũng rất là cao.

         Cùng với đặc sản xoài, sản phẩm mận hậu Yên Châu cũng đang tiếp tục hành trình xây dựng thương hiệu và trở thành một trong những cây trồng chủ lực của huyện. Hiện toàn huyện đang có trên 3.400 ha mận, trong đó có 27 ha được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu. Thời gian qua, việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc và sản xuất mận theo hướng hữu cơ đã và đang được các hợp tác xã và người dân trồng mận trên địa bàn huyện từng bước nhân rộng. Qua đó, chất lượng, giá trị trái mận từng bước được nâng cao và được nhiều thị trường trong và ngoài nước lựa chọn. Nhờ đó, trong năm 2021, toàn huyện đã thu hoạch và tiêu thụ được trên 28.500 tấn mận.

          Đồng chí Bùi Văn Quân - Phó Chủ tịch UBND xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu cho biết: Chính quyền địa phương xã cũng đã tuyên truyền bà con nhân dân trong xã thực hiện trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ, trong đó hạn chế dùng thuốc hoá học trong khâu chăm sóc cây ăn quả, đặc biệt là cây mận. Trong đó tuyên truyền bà con mua phân chuồng và bằng đỗ tương, hạt ngô xay xát rồi ủ rồi bón trực tiếp cho cây, từ đó tạo cho cây sinh trưởng tốt và đậu quả, cho sản lượng cao và đảm bảo chất lượng về sản phẩm. Riêng cây mận xã có 1.400 ha diện tích cho sản phẩm. Ước sản lượng mận của xã năm nay từ 14 đến 16 nghìn tấn.

          Bên cạnh xoài, mận, huyện Yên Châu còn có trên 2.4760ha nhãn, 785ha chuối và trên 674ha các loại cây ăn quả khác. Cho đến nay, nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện đã được tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, có nhãn hiệu, thương hiệu, có chỗ đứng trên thị trường nội địa và xuất khẩu như: xoài đài loan, nhãn chín muộn, mận hậu, chuối… mở ra hướng cho sản phẩm nông nghiệp của Yên Châu vươn ra với thị trường quốc tế. Hiện tại, cùng với việc hỗ trợ người dân và các hợp tác xã mở rộng các diện tích cây ăn quả sản xuất theo hướng hữu cơ và quy trình VietGap, đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính. Thì huyện Yên Châu đang tăng cường hợp tác, thu hút, kêu gọi nhiều doanh nghiệp đến khảo sát, đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, mở các nhà máy chế biến sản phẩm và ký kết để xây dựng các vùng nguyên liệu lại huyện, để góp phần có đầu ra tiêu thụ nông sản ổn định cho người dân.

          Một nét nổi bật khác trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của huyện Yên Châu trong năm 2021, chính là sự phát triển nhanh và từng bước hoạt động đi vào chiều sâu của các mô hình kinh tế tập thể. Số lượng hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp ngày càng tăng. Đến nay toàn huyện có 58 hợp tác xã, trong đó có 57 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhìn chung các hợp tác xã trên địa bàn huyện Yên Châu đều hoạt động theo Điều lệ Hợp tác xã, sản xuất kinh doanh - dịch vụ đạt hiệu quả kinh tế, đã phát huy được vai trò kết nối với các doanh nghiệp trong tiêu thụ nông sản cho các thành viên hợp tác xã và các hộ gia đình trên địa bàn.

          Đồng chí Lê Huy Phong - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, tập trung phát triển cây ăn quả gắn với tiêu thụ và xuất khẩu. Thời gian tới, UBND huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 15-NQ/ĐH ngày 24/9/2020 của Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV; Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 21/01/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông lâm nghiệp và thủy sản tập trung bền vững, ứng dụng công nghệ cao năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tiếp tục rà soát, chuyển đổi các diện tích đất canh tác nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện quy hoạch vùng của từng loại quả đảm bảo phù hợp với quy hoạch. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng chứng nhận các quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, globalgap, mã số vùng trồng; tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp về tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giải pháp về thị trường xúc tiến thương mại…

        Từ những thành công trong năm 2021 và những mục tiêu, giải pháp cụ thể của ngành nông nghiệp huyện, chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào một “bức tranh sáng” của ngành nông nghiệp huyện Yên Châu trong năm 2022 này.

Trần Sơn

Tin tức
















Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1