Chị Lò Thị Út - Chi hội trưởng phụ nữ làm kinh tế giỏi
Lượt xem: 185
Từ mô hình sản xuất đa cây con kết hợp này, mỗi năm sau khi trừ chi phí, gia đình chị Lò Thị Út có thu nhập từ 300 đến 400 triệu đồng. Nhờ đó, kinh tế gia đình chị Út đã từng bước vươn lên làm giàu.

Đến thăm mô hình trồng trọt, chăn nuôi của gia đình chị Lò Thị Út ở bản Bó Phương, xã Yên Sơn, chúng tôi thực sự ngạc nhiên, ngưỡng mộ trước một người phụ nữ còn trẻ nhưng làm chủ một cơ ngơi rộng lớn. Mô hình trồng trọt, chăn nuôi rộng trên 3ha của chị trồng các loại cây ăn quả như nhãn, mận, chanh leo... và kết hợp chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, nuôi lợn nái...

Hội LHPN xã Yên Sơn tham quan mô hình nuôi lợn sinh sản gia đình chị Lò Thị Út

 Xuất thân trong một gia đình thuần nông, những năm đầu khi mới lập gia đình, cuộc sống gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế. Thu nhập của gia đình chủ yếu từ trồng ngô, trồng lúa nương, nuôi lợn, gà nhưng cũng chỉ đủ để cải thiện bữa ăn hằng ngày, vì vậy chị đã bắt đầu tìm tòi, học hỏi qua ti vi, sách, báo. Được sự tuyên truyền vận động của Hội LHPN huyện về việc thực hiện chủ trương của tỉnh, huyện về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gia đình chị Út đã mạnh dạn chuyển diện tích đất trồng ngô hàng năm năng suất thấp sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương như mận, nhãn và mía. Nhờ sự cần cù, chí thú làm ăn mà diện tích cây ăn quả và cây mía của gia đình chị luôn phát triển tốt và cho năng suất cao.

Chị Lò Thị Út - Chi hội Trưởng phụ nữ bản Bó Phương, xã Yên Sơn, huyện Yên Châu cho biết: Với diện tích 3ha đất của gia đình, 1,5 ha gia đình trồng mía, còn 1,5ha còn lại chủ yếu đất đốc mang lại hiệu quả kinh tế thấp, nên gia đình đã chuyển đổi sang trồng cây ăn quả như nhãn, mận. Với phương châm "không để đất nghỉ" thì sau khi thu lúa xong thì gia đình trồng tiếp các loại cây ngắn ngày như bí, các loại đậu đỗ, từ đó cũng để tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Tận dụng nguồn cỏ sẵn có từ lá mía gia đình chị Út đã phát triển nuôi thêm 6 con trâu, bò vỗ béo. Nhờ làm tốt công tác phòng bệnh và chăm sóc nên mỗi năm gia đình chị có thêm thu nhập từ 35 - 40 triệu đồng nhờ xuất bán trâu, bò sau vỗ béo. Bên cạnh đó, năm 2016 gia đình chị đầu tư nuôi thêm 10 con lợn nái. Mặc dù giá cả thị trường biến động, giá lợn tăng giảm không ổn định, nhưng gia đình chị Út vẫn kiên trì và áp dụng khoa học và kỹ thuật vào chăn nuôi. Thời điểm năm 2020 giá lợn giống tăng lên với giá trung bình từ 2 triệu - 2,2 triệu đồng/con tăng thêm thu nhập cho gia đình từ 150 - 250 triệu đồng.

Chị Lò Thị Út - Chi hội Trưởng phụ nữ bản Bó Phương, xã Yên Sơn, huyện Yên Châu: Ở bản chúng tôi, muốn làm kinh tế nông nghiệp có hiệu quả thì thứ nhất rất cần phải chọn được hướng đi đúng thứ hai là sự kiên trì, chịu khó.  Để phát triển chăn nuôi trâu, bò vỗ béo cũng tận dụng nguồn cỏ sẵn có từ lá mía, thứ 2 tận dụng đất dốc hiệu quả kinh tế kém thì gia đình chuyển đổi sang trồng cỏ để phục vụ chăn nuôi. Bên cạnh nuôi trâu, bò vỗ béo thì gia đình cũng nuôi thêm lợn nái để xuất lợn giống, mỗi năm trung bình 1 con xuất 2 - 3 lứa lợn con, từ đó cũng đem lại nguồn thu nhập cho gia đình. Từ đó gia đình cũng ổn định hơn.

Từ mô hình sản xuất đa cây con kết hợp này, mỗi năm sau khi trừ chi phí, gia đình chị Lò Thị Út có thu nhập từ 300 đến 400 triệu đồng. Nhờ đó, kinh tế gia đình chị Út đã từng bước vươn lên làm giàu.

Chị Lò Thị Út - Chi hội trưởng phụ nữ bản Bó Phương chăm sóc vườn cây ăn quả của gia đình

Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Lò Thị Út còn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào của hội phụ nữ địa phương. Với cương vị là Chi hội trưởng hội phụ nữ Bản Bó Phương, chị thường xuyên tuyên truyền, chia sẻ kinh nghiệm về phát triển kinh tế của bản thân mình cho các chị em trong chi hội, đồng thời tạo mọi điều kiện về vốn, cây, con giống cho những hội viên khác muốn phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.

Chị Vì Thị Danh - Bản Bó Phương, xã Yên Sơn, huyện Yên Châu: Chị út là 1 người năng động và quan tâm, giúp đỡ hội viên, thường xuyên đến thăm hỏi hội viên, đặc biệt là hội viên nào khó khăn thì chị hướng dẫn gia đình mình cho họ nuôi rẽ. Chị cũng thường xuyên đến thăm và động viên gia đình, hướng dẫn cách ủ cỏ, cho ăn cỏ, hướng dẫn chăm sóc, phòng bệnh cho trâu bò. Mỗi năm gia đình cũng xuất bán từ 3 - 4 con, thu nhập cũng tùy từng con, lớn hay bé, trung bình cũng từ 100 triệu.

Việc phát triển kinh tế từ mô hình trồng trọt, chăn nuôi của gia đình chị Lò Thị Út là một trong những mô hình đã phát huy được hiệu quả cần được nhân rộng hơn nữa nhằm giúp phụ nữ vùng khó khăn làm chủ được kinh tế gia đình, ổn định và nâng cao đời sống. Những thành quả đạt được hôm nay của chị Lò Thị Út đã góp phần tô thắm thêm hình ảnh đẹp của người phụ nữ nông thôn, xứng đáng là tấm gương sáng để chị em phụ nữ học tập và noi theo.

Hoàng Dương, Hà Huyền

Tin tức
















Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1