Giới thiệu khái quát về ngành Giáo dục huyện Yên Châu
Lượt xem: 1491

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Châu là cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện, giúp Ủy ban nhân dân huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo trên địa bàn. Quá trình phát triển của ngành giáo dục nói chung và phòng Giáo dục và Đào tạo nói riêng đều gắn chặt với sự phát triển của huyện nhà.

 
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện

Yên Châu là mảnh đất chứng kiến biết bao thăng trầm của lịch sử. Dù thay đổi về địa giới và tên gọi qua từng thời kỳ, con người Yên Châu luôn kiên cường trước mọi thử thách, bản lĩnh trong công việc, năng động, sáng tạo làm nên bao sự tích thần kỳ, để lại cho đời sau những di sản quý báu. Giáo dục Yên Châu là một phần đời sống quê hương trên mọi chặng đường lịch sử; là bộ phận gắn kết chặt chẽ, hữu cơ với cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Hơn nửa thế kỷ thống trị, mãi đến năm 1917, thực dân Pháp mới mở 01 trường tiểu học bán cấp ở trung tâm Mường Vạt. Đến năm 1939, chúng mở thêm 02 trường hương sư ở Chiềng Sàng và Mường Khoa (nay thuộc huyện Bắc Yên) với số học sinh ít ỏi, hầu hết dành cho con em các gia đình phìa, tạo và chức dịch thuộc tầng lớp trên. Trường học được mở không phải là để giáo dục cho thanh thiếu niên một nền học vấn tốt đẹp, chân chính mà chỉ nhằm mục đích tạo ra một đội ngũ tay sai phục vụ cho bọn xâm lược. Số đông con em lao động không được đến trường, vì vậy 99% dân số mù chữ. Bên cạnh đó, thực dân Pháp còn khuyến khích các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan nhằm thực hiện âm mưu “Ngu để trị”.

Ngày 20/11/1952, Yên Châu được giải phóng nhưng địch vẫn còn ở Nà Sản, thường xuyên quấy phá nên chưa thành lập được trường học. Tháng 6/1954, Yên Châu mở được trường tiểu học Châu lỵ với 5 lớp thu hút con em trong vùng đến học. Đến năm 1957, các xã đều có trường cấp I. Toàn châu có 19 lớp vỡ lòng với 375 học sinh, lớp 1 và lớp 2 có 93 học sinh. Đặc biệt, công tác bình dân học vụ được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Đến cuối năm 1957 toàn châu có 67 lớp với 1995 người theo học và 1984 người được công nhận thoát nạn mù chữ. Thời gian này ông Hoàng Sáy được cử làm Trưởng ban Bình dân học vụ huyện.

Đến năm 1959, Yên Châu được đón các thầy cô giáo miền xuôi lên phát triển văn hóa miền núi, năm học 1959-1960 mở 01 lớp cấp II tại châu lỵ có 12 học sinh theo học. Như vậy, đến năm 1960 trung bình có 21 người đi học/100 dân. Mỗi hợp tác xã có 01 nhà trẻ, toàn châu có 69 nhà trẻ với 552 cháu.

Tháng 10/1960 phòng Giáo dục được thành lập, ông Vì Văn Pành được cử phụ trách phòng (1960-1961), ông Lò Ân được cử phụ trách phòng từ năm 1961-1963. Từ năm 1964 ông Hoàng Quý được cử làm trưởng phòng Giáo dục châu.

Đến năm 1965, Yên Châu cơ bản xóa xong nạn mù chữ cho 05 xã vùng thấp (tỷ lệ người biết chữ đạt 90%), các xã vùng cao (tỷ lệ biết chữ đạt 67%). Số trường phổ thông không tăng nhưng các lớp vở lòng và lớp 1 tăng 60%. Trường cấp II đã phát triển thành một trường phổ thông hoàn chỉnh với 82 học sinh. Các trường bổ túc văn hóa ở các xã vẫn duy trì, mở thêm 01 trường bổ túc văn hóa ở Chiềng On và trường thanh niên dân tộc huyện.

          Giai đoạn 1965 - 1975: Giặc Mỹ điên cuồng chiến tranh phá hoại miền Bắc, các trường học phải sơ tán nhưng vẫn đảm bảo chương trình giáo dục của Bộ, các lớp học vẫn bảo đảm được sỹ số học sinh. Số học sinh cấp 1 tăng từ 8-10%, cấp II tăng 17-20%. Phong trào bổ túc văn hóa phát triển rộng rãi, hàng nghìn cán bộ, đảng viên, đoàn viên đến lớp.

          Giai đoạn 1976 - 1980: Sự nghiệp giáo dục huyện nhà phát triển mạnh, năm học 1977-1978 có 5.630 học sinh phổ thông (tăng 35% so với năm 1975), bổ túc văn hóa nông thôn có 672 học viên, bổ túc văn hóa tập trung có 334 người. Việc xây dựng cơ sở vật chất trường lớp được nhân dân nhiệt tình ủng hộ. Tuy nhiên, đội ngũ giáo viên cấp II thiếu trầm trọng. Giai đoạn này ông Lương Khù được cử làm trưởng phòng Giáo dục.

          Giai đoạn 1981 - 1985: Ngành giáo dục có những bước tiến mới. Năm học 1980 - 1981 trường PTTH Yên Châu ra đời do thầy giáo Lò Văn Doan làm hiệu trưởng. Năm học 1982 - 1983 toàn huyện có 10.478 học sinh. Hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo phát triển mạnh. Công tác xóa mù chữ được quan tâm. Giai đoạn này ông  Hà Trung San và ông Hoàng Yến làm trưởng phòng Giáo dục và bảo vệ bà mẹ trẻ em.

          Giai đoạn 1986 - 1990: Sự nghiệp giáo dục gặp nhiều khó khăn, học sinh bỏ học nhiều, tỷ lệ huy động số trẻ trong độ tuổi đến trường thấp: Cấp 1 đạt 56,1%, nhà trẻ 6,6%; Mẫu giáo đạt 20,1%. Giai đoạn này ông Hoàng Yến và ông Hoàng Phạnh làm trưởng phòng.

          Giai đoạn 1991 - 1995: Sự nghiệp giáo dục vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực phấn đấu của nhân dân các dân tộc trong huyện, bước đầu đã khắc phục được tình trạng xuống cấp, 100% số bản có lớp học, số lớp mẫu giáo tăng 70%. Tuy nhiên, một số trường phổ thông giảm về số lớp. Ngành giáo dục phải ghép một số trường học (trường cấp 1 Song Còn ghép với trường PTCS Tú Nang, trường PTTH ghép với khối THCS của trường PTCS Thị Trấn thành trường PTTH cấp 2 - 3 huyện). Phong trào xóa mù chữ được đặc biệt quan tâm (xóa mù chữ được 1000 người), cơ sở vật chất trường lớp được quan tâm, đầu tư (5 năm đầu tư 1,2 tỷ đồng). Năm 1994, thành lập Trung tâm Hướng nghiệp tổng hợp kỹ thuật dạy nghề, ông Nguyễn Xuân Hiến được cử làm giám đốc.

          Năm học 1994 - 1995: Toàn huyện có 21 trường phổ thông (10 trường PTCS, 01 trường PTDT Nội trú, 01 trường cấp 2 - 3, 9 trường tiểu học) và 02 trường mẫu giáo: Mẫu giáo Chiềng Pằn, mẫu giáo Thị Trấn; 02 nhà trẻ: Nhà trẻ Liên cơ 1 ở Thị Trấn và Nhà trẻ liên cơ 2 ở Nông trường chè Liên Chung. Tổng số lớp học phổ thông 450 lớp với 10.046 học sinh (tiểu học 394 lớp với 8.705 học sinh, THCS có 55 lớp với 1304 học sinh, PTTH có 6 lớp với 201 học sinh) giai đoạn này ông Trương Văn Thắm làm trưởng phòng Giáo dục.

          Giai đoạn 1996 - 2006:  Đây là giai đoạn mà ngành giáo dục phát triển mạnh cả về lượng và chất. Các trường PTCS được tách ra thành các trường mầm non, các trường tiểu học và các trường THCS.

          Năm 1998: Thành lập trường cấp 2 - 3 Phiêng Khoài, ghép trường Bồi dưỡng với Trung tâm lao động hướng nghiệp tổng hợp dạy nghề để thành lập Trung tâm giáo dục thường xuyên. Năm 2005, tách trường PTTH cấp 2 - 3, thành lập trường THCS Thị trấn và THPT Yên Châu. Tháng 5/2005 thành lập trường chất lượng cao mang tên nhà giáo - nhà toán học Nguyễn Cảnh Toàn do ông Nguyễn Văn Chiến làm hiệu trưởng (giai đoạn đầu trường chung cơ sở vật chất với trường THCS Thị Trấn).

          - Giáo dục mầm non: Các bản trong huyện đều có lớp học mầm non. Toàn huyện có 51 nhóm trẻ với 512 cháu. Mẫu giáo có 152 lớp với 2.800 học sinh đạt tỷ lệ huy động 98%.

          - Giáo dục phổ thông: Có 21 trường tiểu học, 14 trường THCS, 3 trường PTCS, 01 trường PTDT Nội trú và 01 trường cấp 2 - 3 Phiêng Khoài với 454 lớp tiểu học và 7.471 học sinh, 174 lớp THCS với 5.939 học sinh (Khối THPT bàn giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý).

          - Công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập THCS được đẩy mạnh. Năm 1998 huyện được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học - xóa mù chữ. Chất lượng giáo dục đã có nhiều chuyển biến tích cực: Chuyển lớp và tốt nghiệp các cấp đạt từ 98% trở lên. Đặc biệt về đào tạo mũi nhọn có nhiều tiến bộ. Nhiều học sinh, giáo viên đạt giải các kỳ thi học sinh giỏi, giáo viên giỏi cấp huyện và cấp tỉnh.

          Giai đoạn này bà Lê Thị Thanh Bình làm trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (1996 - 2004) và ông Vũ Bình Yên làm trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (2004 - 2005).

          Giai đoạn 2007 - 2017: Đây là giai đoạn ngành giáo dục huyện nhà có nhiều khởisắc. Quy mô trường lớp được mở rộng, chất lượng giáo dục đào tạo có sự chuyển biến mạnh mẽ. Đến năm học 2016 - 2017, toàn huyện có 66 trường học: 02 trường THPT, 01 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (được thành lập năm 2016 trên cơ sở sát nhập Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Trung tâm dạy nghề), 01 trường PTDT Nội trú, 03 trường PTDT Bán trú THCS (Chiềng On, Chiềng Tương và Mường Lựm), 14 trường THCS, 01 trường PTCS, 24 trường tiểu học, 20 trường mầm non với trên 20.000 học sinh. Giai đoạn này, ngành đặc biệt coi trọng việc đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục học sinh nhất là giáo dục mũi nhọn. Chính vì vậy, năm 2009 trường THCS Nguyễn Cảnh Toàn được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang và chuyển về địa điểm mới tại bản Nghè xã Sặp Vạt với 8 lớp do bà Phạm Thị Nga làm hiệu trưởng. Đây là môi trường thu hút học sinh khá, giỏi trong toàn huyện, là nơi bồi dưỡng nhân tài cho huyện.

          Các phong trào thi đua của ngành được triển khai rộng khắp và đi vào chiều sâu, đặc biệt là phong trào thi đua dạy tốt học tốt, xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Tỷ lệ học sinh khá, giỏi ngày cành tăng, tỷ lệ học sinh yếu, kém giảm dần. Các hội thi, kỳ thi chọn học sinh giỏi, giáo viên giỏi hàng năm do phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức được đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh hưởng ứng nhiệt tình.

          Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia và công tác phổ cập được các cấp, các ngành quan tâm sâu sắc. Năm 2007 được công nhận huyện hoàn thành phổ cập giáo dục THCS, năm 2008, được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, năm 2014 được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Đến cuối năm 2016, toàn huyện có 21/66 trường đạt chuẩn quốc gia (chiếm 31,8 %).

          Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã phối hợp với hội Khuyến học huyện phát động và huy động các nguồn lực để thực hiện tốt phong trào khuyến học, khuyến tài; phát huy nhân rộng các điển hình “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học”“Cộng đồng khuyến học”. Xây dựng kế hoạch thực hiện Quyết định 281/QĐ-TTg ngày 20/02/2014 của Thủ tướng về Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”. Tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, sự quyên góp tự nguyện từ nhân dân để xây dựng phong trào khuyến học, đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy - học ở các nhà trường.

         Hiện tại, đội ngũ cán bộ công chức làm việc tại phòng Giáo dục và Đào tạo có 16 người: 01 trưởng phòng, 02 phó trưởng phòng, 02 kế toán, 01 bảo vệ, 01 lái xe, số còn lại biệt phái từ các trường đến.

          Trải quan gần 60 năm phát triển, mặc dù có nhiều bước thăng trầm song đội ngũ cán bộ phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Châu vẫn vững vàng khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu và hoàn thành xuất sắc trọng trách mà Đảng, Nhà nước giao phó, xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh huyện nhà, góp phần quan trọng vào mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài địa phương.

 Phụ lục 01

 DANH SÁCH CÁC TRƯỞNG PHÒNG QUA CÁC THỜI KỲ

  1. Ông Hoàng Sáy - Phụ trách Bình dân học vụ 1952 - 1959;
  2. Ông Vì Văn Pành - Trưởng phòng 1960 - 1961;
  3. Ông Lò Ân - Trưởng phòng 1961 - 1963;
  4. Ông Hoàng Quý - Trưởng phòng 1963 - 1970;
  5. Ông Lương Khù - Trưởng phòng 1970 - 1981;
  6. Ông Hà Trung San - Trưởng phòng 1982 - 1983;
  7. Ông Hoàng Yến - Trưởng phòng 1983 - 1988;
  8. Ông Hoàng Phạnh - Trưởng phòng 1988 - 1989;
  9. Ông Trương Văn Thắm - Trưởng phòng 1989 - 1996;
  10. Bà Lê Thị Thanh Bình - Trưởng phòng từ 1996 - 2004;
  11. Ông Vũ Bình Yên - Trưởng phòng 2004 - 2005;
  12. Ông Phạm Quang Giang - Trưởng phòng từ 2005 - 2010;
  13. Ông Nguyễn Văn Chiến - Trưởng phòng 2010 - 2011;
  14. Ông Đào Ngọc Toản - Trưởng phòng từ 2011 - 2016;
  15. Bà Vũ Thị Tuyết - Trưởng phòng từ 2017.

          _______________________________________

                              Tài liệu tham khảo: Lịch sử huyện Đảng bộ Yên Châu

                                                            Các báo cáo tổng kết các năm học

                                                            Kế hoạch phát triển giáo dục các năm học

                                                            Tham khảo các thầy giáo lão thành.

                             

Nguyễn Đình Xuất (Phó trưởng phòng GD&ĐT)

Tin tức
















Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1