Nông nghiệp huyện Yên Châu vượt khó chuyển mình
Lượt xem: 473
 Khép lại năm 2020, ngành nông nghiệp huyện Yên Châu đã có những bước chuyển mình quan trọng, không chỉ đảm bảo tốt về an ninh lương thực mà còn tạo nên giá trị gia tăng cao từ các cây trồng, vật nuôi chủ lực. Thêm vào đó, các sản phẩm nông sản được quan tâm xây dựng nhãn hiệu, kết nối doanh nghiệp, hợp tác xã trong sản xuất, tiêu thụ nông sản...

        Trong năm 2020, ngành nông nghiệp huyện Yên Châu đã phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức từ thiên tai, dịch bệnh đến bão giá, bệnh dịch tả lợn Châu Phi và gần đây nhất là dịch bệnh Covid-19. Song với những chủ trương đúng đắn cùng sự vào cuộc của các cấp chính quyền, sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp và nhân dân trong huyện đã giúp ngành nông nghiệp đạt nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà.

          Một trong những địa phương triển khai hiệu quả trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng là xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu. Nếu như trước đây, Chiềng Hặc được biết đến là nơi đất đai khô cằn, bạc màu, thì nay với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, những vùng đất đồi trống được thay bằng màu xanh của cây trái. Trong đó loại cây đặc sản mang lại hiệu quả kinh tế cao trên vùng đất này là: xoài tượng da xanh, nhãn ghép. Tổng diện tích cây ăn quả toàn xã hiện nay là 698 ha, tăng 21% so với năm 2019; trong đó,  cây xoài 353 ha, sản lượng đạt 847 tấn; cây nhãn 160 ha, sản lượng đạt 675 tấn. Tổng  thu hoạch từ các loại quả trên địa bàn xã năm 2020 ước đạt hơn 2.000 tấn. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt đạt 30 triệu đồng. Nhờ chuyển đổi trồng cây ăn quả đúng hướng mà thu nhập của người dân trong xã đã tăng lên đáng kể.

Xã viên hợp tác xã đóng gói xoài để xuất khẩu

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện thăm vườn cây ăn quả của Hợp tác xã An toàn nông nghiệp Chiềng Hặc

          Bà Hà Thị Mai - Chủ tịch UBND xã Chiềng Hặc cho biết: Chủ chương phát triển cây ăn quả trên đất dốc đã và đang đem lại hiệu quả tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của người dân, giúp người dân, hợp tác xã nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập. Nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, thu nhập bình quân của xã năm 2020 ước đạt 23 triệu đồng/người/năm tăng 15 triệu đồng so với năm 2016; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 49,8% năm 2016 xuống còn 36% năm 2020. Từ đó thúc đẩy kinh tế, xã hội của xã ngày càng phát triển.

          Làn gió mới trong nông nghiệp, nông thôn của huyện Yên Châu thời gian gần đây, chính là sự phát triển nhanh và từng bước hoạt động đi vào chiều sâu của các mô hình kinh tế tập thể. Số lượng hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp ngày càng tăng. Đến nay toàn huyện có 53 hợp tác xã, trong đó có 50 hợp tác xã thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Hợp tác xã nông nghiệp bản Chủm, xã Chiềng Đông là một trong những hợp tác xã mới thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2017, trên cơ sở các thành viên đều là các hộ trồng ngô trên đất dốc kém hiệu quả, đã mạnh dạn chuyển sang trồng cây ăn quả với tổng diện tích 22 ha, gồm các loại cây: nhãn, xoài. Để nâng cao hiệu quả hoạt động, hợp tác xã đã và đang áp dụng kỹ thuật sản xuất theo quy trình VietGAP, tạo ra sản phẩm an toàn phục vụ người tiêu dùng.

          Anh Hoàng Văn Hải - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp bản Chủm, xã Chiềng Đông cho biết: Đã chủ động chuyển đổi cây trồng hàng năm sang cây lâu năm như xoài, nhãn, mận và bây giờ trồng cây dược liệu nữa. Tôi đã phối hợp với Ban chi ủy, Chi bộ trong bản đi tuyên truyền vận động các hộ thay đổi từ cây hàng năm sang trồng cây lâu năm, từ 50ha bây giờ đã chuyển đổi được 80%. Bây giờ các hộ đã nhận thức được và đi theo chủ trương, đường lối của Đảng.

          Cùng với nông dân trên địa bàn huyện, nông dân xã Sặp Vạt cũng đã và đang làm giàu từ mô hình trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao. Trong năm 2020, xã đã trồng mới được 44 ha cây ăn quả chủ yếu là xoài, nhãn, nâng tổng diện tích cây ăn quả toàn xã đạt 562 ha, toàn xã hiện có 04 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp. Đất trống, đồi núi trọc ở Sặp Vạt hôm nay đã khoác trên mình màu xanh của những vườn cây ăn quả. Sản phẩm xoài tròn của xã đã có thương hiệu được nhiều người ưa chuộng. Từ chỗ cho thu nhập vài chục triệu đồng/ha nay đã lên đến vài trăm triệu đồng/ha góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người của xã nhà đạt hơn 30 triệu đồng/năm.

          Ông Quàng Văn Nghĩa - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Sặp Vạt nói: Hội nông dân xã đã xây dựng kế hoạch và triển khai tới các chi hội cơ sở bản, tăng cường công tác tuyên truyền vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Hiện tại chúng tôi đang hướng cho bà con chuyển đổi trồng cây trên đất dốc kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm.

          Nhờ đẩy mạnh thực hiện chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc và đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nông sản, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của huyện Yên Châu giảm còn 5.328 hộ chiếm 27,82%, giảm 3,18% so với năm 2019. Hiện toàn huyện đã có trên 10.115ha cây ăn quả tăng 17,5% so với năm 2019, giá trị sản phẩm thu hoạch/1ha đất sản xuất đạt 48 triệu đồng. Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản có thế mạnh của địa phương đến các thị trường trong và ngoài nước, trong năm huyện đã xuất khẩu trên 3.971 tấn quả các loại, giá trị nông sản tham gia xuất khẩu đạt 5,1 triệu USD. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt đến năm 2020 ước đạt 48 triệu đồng. Đến nay, toàn huyện có 6 sản phẩm nông nghiệp được công nhận sản phẩm OCOP gồm: Tỏi đen, chuối sấy dẻo, tinh bột nghệ vàng; chuối sấy giòn, rượu chuối, xoài sấy dẻo. Hiệu quả từ việc phát triển cây ăn quả trên đất dốc đã mang đến cho "bức tranh" nông nghiệp của huyện Yên Châu những "gam màu" rực rỡ, tươi sáng hơn.

          Đối với lĩnh vực chăn nuôi, dù gặp không ít khó khăn về dịch bệnh, tuy nhiên, huyện đã tập trung phát triển theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, khuyến khích nông dân đầu tư trang trại vừa và nhỏ, chăn nuôi sinh sản và vỗ béo gia súc đảm bảo hài hòa, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng con giống và sản phẩm; tăng cường công tác vệ sinh phòng dịch bệnh và môi trường trong chăn nuôi. Tổng đàn gia súc, gia cầm toàn huyện hiện có hơn 529.000 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 5.196 tấn. Trên lĩnh vực lâm nghiệp, huyện ta đã hoàn thành kế hoạch trồng rừng năm 2020 với diện tích 50ha, đạt 100% kế hoạch. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 47,39%.  Những thành quả về phát triển sản xuất nông nghiệp đã kéo theo việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện đạt kết quả cao. Đến nay, toàn huyện có 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Chiềng Sàng, Chiềng Pằn, Viêng Lán, Chiềng Khoi; 5 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí, 05 xã đạt từ 8 - 9 tiêu chí. Bình quân toàn huyện đạt 12,57 tiêu chí/xã.  

         Ông Cao Xuân Dũng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Để thực hiện tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, đặc biệt là các chỉ tiêu nông nghiệp thì phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện sẽ tiếp tục tham mưu cho cấp ủy chính quyền huyện một số nội dung cụ thể như sau: Tiếp tục tham mưu chỉ đạo phát triển sản xuất theo quy mô liền vùng gắn với bảo quản chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là phát triển vùng nguyên liệu cho các nhà máy. Tập trung phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại, duy trì chăn nuôi theo hướng công nghiệp và ứng dụng công nghệ cao. Tăng cường quản lý chất lượng  nông - lâm thủy sản. Chỉ đạo thực hiện tốt việc áp dụng quy trình VietGap, quảng bá thương hiệu các sản phẩm an toàn trên địa bàn huyện ra thị trường trong nước cũng như nước ngoài. Tập trung phát triển quản lý sản xuất, đặc biệt tập trung phát triển hợp tác xã để gắn kết nông dân với các nhà máy để cung ứng thực hiện tốt các quy trình nâng cao chất lượng nông sản, nâng cao thu nhập cho người dân.

          Khép lại năm 2020, ngành nông nghiệp huyện Yên Châu đã có những bước chuyển mình quan trọng, không chỉ đảm bảo tốt về an ninh lương thực mà còn tạo nên giá trị gia tăng cao từ các cây trồng, vật nuôi chủ lực. Thêm vào đó, các sản phẩm nông sản được quan tâm xây dựng nhãn hiệu, kết nối doanh nghiệp, hợp tác xã trong sản xuất, tiêu thụ nông sản... Với sự phát triển đúng hướng, ngành nông nghiệp huyện Yên Châu đã góp phần làm khởi sắc nền kinh tế và đẩy nhanh tốc độ xóa đói giảm nghèo ở địa phương./.         

Hà Huyền

 

Tin tức
















Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1