Giới thiệu về thị trấn yên châu

Thị trấn Yên Châu là trung tâm chính trị, văn hoá - xã hội của huyện Yên Châu, nằm dọc quốc lộ 6, cách thành phố Sơn La khoảng 60 km về phía Tây. Phía Bắc, phía Nam giáp xã Viêng Lán và xã Sặp Vạt, phía Đông giáp xã Sặp Vạt, phía Tây giáp xã Viêng Lán. Thị trấn được thành lập vào ngày 28/02/1988, có chiều dài hơn 3km với tổng diện tích tự nhiên theo địa giới hành chính là 130,2 ha; Tính đến tháng 02/2021 thị trấn có 1.160 hộ với 4250 nhân khẩu; thường trú: 1115 hộ với 4139 nhân khẩu, trong đó nam 2011 khẩu, nữ 2128 khẩu; tạm trú 45 hộ với 131 nhân khẩu; có 06 tiểu khu với 05 dân tộc anh em(Kinh, Thái, Mông, Sinh Mun, Khơ Mú)cùng đoàn kết sinh sống; có 01 Trạm y tế, 04 trường học(trường mầm non Thủy Tiên, trường tiểu học, trường THCS, trường THCS Nguyễn Cảnh Toàn)trực thuộc đóng trên địa bàn.

Trụ sở UBND xãthị trấn Yên Châu

Trên địa bàn thị trấn, các hộ phần lớn là các hộ kinh doanh dịch vụ buôn bán nhỏ và gia đình cán bộ, công chức, viên chức. Công tác kế hoạch hóa gia đình thực hiện chưa triệt để, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn cao chiếm 0,7%; công tác xóa nghèo chưa bền vững, mặt bằng cuộc sống giữa các tầng lớp nhân dân chưa đồng đều, vấn đề vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm còn ảnh hưởng nhiều đến đời sống của nhân dân.

Đời sống nhân dân các dân tộc trên địa bàn Thị Trấn có bước phát triển đáng kể, thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 2.070.000đ/người/tháng, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá. Trình độ dân trí ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo toàn Thị Trấn còn 1,79%; hộ cận nghèo 0,26% (năm 2016). Phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, tự lực tự cường trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong thời kỳ mới. Quốc phòng, an ninh, chính trị luôn được giữ vững và ổn định, nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của đảng, sự điều hành của chính quyền, cụ thể hóa các chính sách của Đảng, Nhà nước vào đời sống của người dân như chính sách về tài chính, tín dụng(các nguồn vốn vay ưu đãi); y tế(thẻ bảo hiểm y tế đối với người nghèo);giáo dục(hỗ trợ học bổng, tiền ăn đối với học sinh dân tộc thiểu số);nhà ở(hỗ trợ nhà ở đối với người có công),... Từ đó đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương; đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được cải thiện, chất lượng giáo dục, y tế ngày càng được nâng lên, mọi chính sách xã hội được quan tâm đảm bảo an sinh xã hội, tạo sự tin tưởng tuyệt đối của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Với khí thế quyết tâm đổi mới, hăng hái hưởng ứng thực hiện, đã đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực chính trị, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng, tích cực sản xuất, công tác, học tập hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.

Địa hình:Thị trấn Yên Châu có địa hình tương đối bằng phẳng, xen kẽ đồi núi thấp chạy dọc theo quốc lộ 6. Độ cao trung bình so với mực nước biển là 300m.

Khí hậu, thời tiết:Thị trấn Yên Châu nằm trong tiểu vùng khí hậu nóng của huyện với 2 mùa rõ rệt trong năm. Mùa đông lạnh trùng với mùa khô, kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau. Mùa hè nóng trùng với mùa mưa, kéo dài từ tháng 4 đến tháng 10. Nhiệt độ trung bình trong năm là 24oc. Độ ẩm trung bình năm là 80%.

Gió thịnh hành theo 2 hướng gió chính: Gió mùa Đông Nam kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10. Gió mùa Đông Bắc kéo dài từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau.

Thuỷ văn:Chỉ có một khe suối nhỏ chảy từ xã Viêng Lán qua Thị Trấn rồi đổ vào suối Vạt. Ngoài ra, diện tích mặt nước ao hồ của Thị Trấn có 1,3 ha, khả năng trữ nước không đáng kể.

Tài nguyên:Thị trấn Yên Châu là địa bàn có tổng diện tích tự nhiên nhỏ hẹp, diện tích đất lâm nghiệp hạn chế, do vậy tài nguyên rừng ở địa bàn thị trấn là không đáng kể. Hiện có 21 ha rừng trồng phòng hộ, loại cây rừng chủ yếu là tếch và tre nứa.

Môi trường:Cảnh quan môi trường của Thị Trấn trong lành, có được cảnh quan tự nhiên của một thị trấn miền núi Tây Bắc, môi trường nước, không khí ít bị ô nhiễm bởi chất thải, khí thải công nghiệp. Công tác vệ sinh môi trường đã được quan tâm, hàng ngày trên các tuyến đường chính trong thị trấn, nơi tập trung đông dân cư như chợ, bệnh viện được nhân dân thực hiện khá tốt, đã có đội Quản lý đô thị thu gom rác thải và làm công tác vệ sinh môi trường, đảm nhiệm việc thu gom, vận chuyển rác thải đến bãi rác xử lý theo quy định. Trên địa bàn thị trấn hiện đã đưa vào sử dụng 9/11 tuyến đường ngõ xóm theo Nghị quyết 41/NQ-HĐND tỉnh Sơn La, các tuyến đường đảm bảo theo đúng hồ sơ đã phê duyệt.

Về phát triển kinh tế - xã hội:Do quỹ đất sản xuất nông nghiệp ít nên ngành trồng trọt của thị trấn không đáng kể việc chăn nuôi đã trở thành ngành sản xuất chính trong sản xuất nông nghiệp. Chương trình phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm luôn được quan tâm và duy trì phát triển tốt, trên địa bàn không xảy ra dịch bệnh lớn. Công tác chỉ đạo phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, mỗi năm tiến hành tiêm phòng dịch 2 đợt/năm. Tính từ đầu năm 2016 toàn Thị Trấn có tổng đàn gia súc trên 982 con; đàn gia cầm các loại 9.215 con.

Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp: Phát triển khá về chế biến nông sản, thực phẩm như: Bánh, bún, đậu phụ, xay sát gạo, ngô, sản xuất đồ gỗ gia dụng, sửa chữa, gò, hàn, cơ khí nhỏ, dệt vải thổ cẩm và may các loại… Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp còn mang tính tự phát, quy mô nhỏ, việc đầu tư quy hoạch phát triển còn hạn chế.

Thương mại, dịch vụ:Có chiều hướng phát triển tích cực, đa dạng hoá các loại hình kinh doanh dịch vụ, phong phú về quy mô hàng hoá, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. Các ngành nghề kinh doanh dịch vụ tập trung chủ yếu ở khu vực dọc đường quốc lộ 6 đó là: Kinh doanh tiểu thương của các hộ gia đình, vận chuyển hàng hoá, vật liệu xây dựng, cung cấp các mặt hàng, vật tư cho nông nghiệp, thức ăn gia súc, gia cầm, sửa chữa xe máy, đồ điện tử và các mặt hàng khác phục vụ cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.

Di tích:Trên địa bàn thị trấn Yên Châu có 01 di tích lịch sử được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2004 nằm trên địa bàn Tiểu khu 5 đó là di tích lịch sử nơi Bác Hồ nói chuyện với nhân dân các dân tộc huyện Yên Châu, đây là khu di tích có ý nghĩa quan trọng đối với nhân dân thị trấn nói chung và Tiểu khu 5 nói riêng, đó còn là niềm tự hào, vinh dự lớn để nhân dân các dân tộc huyện Yên Châu phấn đấu thi đua - tích cực công tác, lao động và học tập theo gương Bác Hồ.

Di tích lịch sử nơi Bác Hồ nói chuyện với nhân dân các dân tộc huyện Yên Châu

Cơ cấu tổ chức, biên chế:Thị trấn Yên Châu hiện có 31 cán bộ, công chức, người lao động. Tham mưu, giúp việc cho UBND thị trấn có: Ban chỉ huy Quân sự thị trấn, thường trực Công an thị trấn, và các bộ phận chuyên môn ở các lĩnh vực khác nhau như: Kế toán ngân sách, Văn phòng Thống kê, Tư pháp - Hộ tịch, Văn hóa thể thao và Du lịch, Địa chính - Xây dựng - Đô thị và môi trường, Lao động - Thương binh xã hội, Thú y, Chữ thập đỏ.

Đảng bộ Thị Trấn: Gồm 12 chi bộ trực thuộc với 642 đảng viên, trong đó gồm có (6 chi bộ tiểu khu, 4 chi bộ trường học, 01 chi bộ Công an, 01 chi bộ Trạm y tế).Đảng bộ Thị Trấn nhiều năm liền đều đạt Đảng bộ trong sạch vững mạnh.

Có 05 tổ chức đoàn thể với hơn 1.000 hội viên, đoàn viên là Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Đoàn Thanh niên, hàng năm các tổ chức chính trị xã hội đều được đánh giá xếp loại hoạt động từ khá trở lên.

Định hướng phát triển của thị trấn trong thời gian tới:Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng phù hợp với địa phương để phát triển kinh tế hộ gia đình. Tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Hoàng Thị Quế(UBND Thị Trấn)

 


Thông tin mới nhất






Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập