Vĩnh biệt Anh hùng lao động Vì Văn Ỏm
Lượt xem: 432

Ông Vì Văn Ỏm, dân tộc Xinh Mun, nguyên Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND, UBND xã Chiềng On, huyện Yên Châu đã về với thế giới người hiền vào 5 giờ ngày 29/9/2019 hưởng thọ 79 tuổi, để lại sự tiếc thương trong người thân, bạn bè và những người yêu quý.

Những năm 80 của thế kỷ trước, khi được bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND xã, phụ trách bản Đin Chí, có cột mốc E4 Trạm Biên phòng Nà Cài, với 14 km đường biên, nơi có 57 hộ đồng bào dân tộc Mông sinh sống, là “điểm nóng” về ma túy, với 43 người nghiện. Ông “cùng ăn, cùng ở, cùng nói tiếng dân tộc” với bà con, tranh thủ sự ủng hộ của già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ để tuyên truyền, giải thích sự nguy hại của việc sử dụng ma túy. Đồng thời, hướng dẫn bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, tách những người nghiện thuốc phiện ra để thuyết phục, cảm hóa, vận động cai nghiện, người già tự cai trước làm gương cho con trẻ cai theo. Qua mấy năm bám bản, việc cai nghiện thuốc phiện ở bản Đin Chí thành công. Suốt quá trình công tác, ông còn trực tiếp góp phần giải quyết thành công nhiều vụ việc liên quan đến an ninh trật tự.

Với vai trò là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND, UBND xã Chiềng On, ông luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước dân, lại thêm tài vận động, thuyết phục, nên những vụ tranh chấp đất đai, mất đoàn kết hay gây rối an ninh trật tự, cứ có sự xuất hiện của ông là mọi việc được giải quyết ổn thỏa. Các cuộc họp bản, họp xã, họp dòng họ, ông góp ý, phát biểu là dân phấn khởi tin tưởng, nể phục và làm theo. Với thái độ luôn bình tĩnh, hòa nhã, nhưng kiên quyết, rõ ràng, ông còn là người rất có uy tín với bà con các bản 2 bên biên giới Việt Nam - Lào, vận động bà con cùng chung tay đoàn kết, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.

Thời kỳ những năm 1970, kinh tế vô cùng khó khăn, đường xá chưa có, dân cư thưa thớt, thóc gạo đồng bào làm ra chỉ đủ ăn trong khoảng 3 tháng/năm, còn lại chủ yếu là vào rừng đào củ mài, săn bắn hái lượm…; đặc biệt, tình trạng mất đoàn kết dân tộc xảy ra thường xuyên. Lúc này, với cương vị là Phó Chủ tịch UBND xã, ông Ỏm tập trung chủ yếu giải quyết vấn đề mất đoàn kết dân tộc, di dịch cư tự do, tranh chấp đất đai. Từ những kiến thức công tác dân vận được học từ quân đội, cộng với khả năng nói được các thứ tiếng dân tộc Thái, Mông, Lào, Xinh Mun, có thời điểm ông xử lý thành công đến 180 vụ việc phức tạp như vậy tại cơ sở. Sau khi giải quyết tốt vấn đề chia rẽ gây mất đoàn kết dân tộc, ông tìm tòi hướng phát triển kinh tế, giúp dân xoá đói giảm nghèo. Năm 1986, có dịp về Hà Nội công tác, ông được giới thiệu về giống ngô lai mới ở Đan Phượng (Hà Nội), dễ trồng, năng suất lại cao. Ông mang về cho gia đình, cán bộ xã, anh em họ hàng trồng thử nghiệm trước. Thấy đạt hiệu quả kinh tế vượt trội so với giống ngô địa phương bình quân 10 kg giống đạt 30 tấn ngô bắp, ông mới trực tiếp hướng dẫn cách gieo trồng cho từng hộ dân, vận động chuyển đổi hơn 700 ha lúa nương sang trồng ngô lai và quy hoạch lại vườn chè. Ông chỉ đạo bà con phát triển đàn trâu, bò, dê, lợn, gà vịt… khoán cho mỗi hộ phấn đấu có ít nhất 2 con trâu, 2 con bò, 10 con lợn, 10 con gà vịt. Con giống thì vận động bà con chia sẻ chứ không mua bán. Thời kỳ đổi mới, ông tiếp tục vận động nhân dân bỏ lúa nương, tập trung mở rộng diện tích lúa nước. Ông sang tận Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, để mua 500 cây mận hậu về trồng trên đất Chiềng On, rồi trồng thêm các loại cây ăn quả như nhãn ghép, hồng, bưởi, cam. Thấy ông làm, nhiều hộ cũng làm theo, hiện nay xã có khoảng 20 ha mận hậu. Theo ông Vì Văn Ỏm: Người làm cán bộ luôn phải có tâm, có trách nhiệm với dân, biết lo nỗi lo của dân. Ông Ỏm về nghỉ hưu theo chế độ năm 2005. Bằng uy tín của mình, ông vẫn cùng bộ đội, cán bộ vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, không xâm canh xâm cư, không di dịch cư tự do, không vượt biên trái phép, giữ vững quốc phòng, an ninh và ổn định chính trị xã hội ở vùng biên giới. Ông thực sự là Anh hùng trong lòng dân nơi biên cương này.

          5 năm chiến đấu trên các chiến trường, làm nghĩa vụ quốc tế trên nước bạn Lào, rồi được đơn vị cử về Trường sĩ quan Lục quân 1 đào tạo để phát triển lâu dài trong quân đội. Trong thời gian học tại đây, ngày 22/12/1968, ông vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp Bác về thăm trường. Thực hiện lời Bác căn dặn:  “Các chú làm việc - làm người - làm cán bộ; Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt được mục đích thì phải cần - kiệm - liêm - chính - chí công - vô tư”. Sau khi tốt nghiệp, được phân công về đơn vị C20 của Bộ Quốc phòng. Đến năm 1973, ông phục viên trở về quê hương, đối mặt với đói, nghèo, lạc hậu, bệnh tật,… Không chấp nhận cuộc sống nghèo đói, người cựu chiến binh dân tộc Xinh Mun đã trăn trở tìm cách vượt qua. Với vốn sống thực tế, lại được tôi luyện trong chiến trường, ông ý thức được trách nhiệm, bổn phận của người con, người cựu chiến binh đối với gia đình và quê hương. Vừa làm tròn trách nhiệm chăm sóc bố mẹ già, nuôi dạy các em nhỏ, vừa khai khẩn đất hoang, đẩy mạnh trồng trọt, chăn nuôi để xoá đói nghèo cho gia đình, đồng thời vận động, chia sẻ  kinh nghiệm sản xuất với bà con trong bản, trong xã… Tháng 6 năm 1974, tỉnh chỉ đạo thành lập hợp tác xã nông nghiệp Đông Bâu trên cơ sở hợp nhất 5 hợp tác xã, ông Ỏm được tín nhiệm bầu làm Phó chủ nhiệm hợp tác xã. Không phụ lòng tin của bà con, ông tranh thủ thời gian học thêm văn hoá, rồi theo học lớp quản lý kinh tế tại trường Hành chính của tỉnh. Năm 1982, khoá học kết thúc, ông trở về địa phương, với những kiến thức được trang bị ông thấy tự tin hơn trong công việc và áp dụng vào thực tế cuộc sống, cùng với bà con trong bản quyết tâm xóa đói, giảm nghèo.

Dù ở bất cứ cương vị công tác nào, ông Ỏm cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Khi là Chủ tịch UBND xã, bí thư Đảng uỷ xã, ông thể hiện rõ trách nhiệm của người “đứng mũi chịu sào”, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Ông đã cùng các đồng chí trong Đảng uỷ chỉ đạo chính quyền thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng và ổn định chính trị xã hội. Theo ông Ỏm, người cán bộ phải “miệng nói, tay làm”, đi đầu làm gương phát triển kinh tế, làm mô hình để bà con học tập. Hơn nữa, phải sát dân, gần dân. Ông là một trong rất ít cán bộ cấp xã ở Sơn La biết bốn nội ngữ và một ngoại ngữ. Ông cho rằng “Làm người lãnh đạo phải gần gũi với bà con các dân tộc. Khi xuống cơ sở nói tiếng Mông, Thái, Kinh và tiếng Lào là hoà nhập được ngay với bà con. Khi dân tin, họ còn nhận làm anh em họ hàng, ruột thịt. Khi gần dân, sẽ thấu hiểu được tâm tư, nguyện vọng của đồng bào và quan trọng hơn phải tạo dựng được lòng tin đối với bà con”.

Ông Ỏm đã góp phần không nhỏ trong công cuộc xóa đói giảm nghèo ở xã biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Cùng với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền xã, của nhân dân trong xã, Chiềng On còn được Đảng và nhà nước hỗ trợ nhiều chương trình, dự án để phát triển kinh tế, xã hội. Đến nay, diện mạo nông thôn Chiềng On đã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần người dân được cải thiện và nâng lên: Nhân dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 12 bản có đường ô tô từ trung tâm xã về bản; 61,65% số dân có nhà lợp ngói; 65% số hộ được sử dụng nước sạch, 78% số hộ được xem truyền hình… Cơ sở vật chất, như: Trụ sở UBND xã, trạm y tế, trường học, chợ được xây dựng khang trang... Những đổi thay ấy một phần không nhỏ bắt đầu từ tâm huyết, cách nghĩ, cách làm của ông Vì Văn Ỏm. Ông là tấm gương sáng để chúng ta học tập và noi theo. Không chỉ là người lãnh đạo giỏi, ông Vì Văn Ỏm còn là tấm gương làm kinh tế gia đình giỏi. Với 2,2 ha ngô giống mới, 3000 m2 ruộng làm 2 vụ, 6 ha chè, 1 ha cây ăn quả cùng đàn gia súc, gia cầm, đều được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, đạt năng suất cao. Hàng năm, trừ chi phí gia đình ông thu nhập từ 75 - 80 triệu đồng. Nhiều hộ trong xã được gia đình ông cho vay vốn không lấy lãi và còn được hướng dẫn cách trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm nên thoát đói nghèo.

Gần nửa thế kỷ tham gia công tác, trong đó có mấy chục năm làm cán bộ xã ông đã góp sức làm cho Chiềng On từ lúc còn nghèo đói, lạc hậu, nay đã có nhiều đổi thay, đời sống bà con được ấm no, đó là hạnh phúc lớn nhất của đời ông. Ghi nhận những cống hiến của ông, Đảng và nhà nước đã tặng thưởng cho ông các danh hiệu cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Hai; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Vĩnh biệt Ông một “thủ lĩnh của vùng cao biên giới” một cán bộ hết lòng vì dân, con người ông, Ông không còn nữa nhưng những việc làm tình nghĩa, đầy trách nhiệm của Ông sẽ còn mãi trong lòng cán bộ, nhân dân xã Chiềng On nói riêng và huyện Yên Châu nói chung.

                                        Ban Tuyên giáo huyện ủy

Tin tức
















Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1