Nữ cán bộ thú y gương mẫu, tận tâm với công việc
Lượt xem: 142
Sinh năm 1985 tại bản Mường Vạt, xã Viêng Lán, huyện Yên Châu, năm 2004 - 2006, chị Quàng Thị Xốm theo học Trung cấp Nông lâm Sơn La. Đến năm 2007, là cán bộ hợp đồng của Trạm Thú y huyện (nay là Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện), cùng thời gian này, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, chị Xốm đã theo học tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam - Hà Nội. Là cán bộ Thú y, chị Xốm thường xuyên hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật chăn nuôi; phổ biến phương pháp phòng, chữa bệnh cho vật nuôi cho người dân với mong muốn đàn vật nuôi của người dân phát triển mạnh, hạn chế tối đa dịch bệnh.

        Trong suốt 15 năm công tác, chị Quàng Thị Xốm - Cán bộ Thú y viên Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Châu luôn thể hiện phong cách quần chúng, gần dân, năng động, nhiệt tình giúp người chăn nuôi bảo vệ sức khỏe vật nuôi, phát triển kinh tế, tìm cách để ngành chăn nuôi huyện nhà phát triển phát triển.

         Sinh năm 1985 tại bản Mường Vạt, xã Viêng Lán, huyện Yên Châu, năm 2004 - 2006, chị Quàng Thị Xốm theo học Trung cấp Nông lâm Sơn La. Đến năm 2007, là cán bộ hợp đồng của Trạm Thú y huyện (nay là Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện), cùng thời gian này, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, chị Xốm đã theo học tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam - Hà Nội. Là cán bộ Thú y, chị Xốm thường xuyên hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật chăn nuôi; phổ biến phương pháp phòng, chữa bệnh cho vật nuôi cho người dân với mong muốn đàn vật nuôi của người dân phát triển mạnh, hạn chế tối đa dịch bệnh. Ông Vì Văn Chương - Bản Mường Vạt, xã Viêng Lán chia sẻ: Gia đình tôi nuôi bò đã lâu rồi, trong thời gian nuôi thì thú y huyện, đặc biệt là chị Xốm đã đến tư vấn, tiêm phòng cho đàn bò. Nhất là mới đây xuất hiện dịch viêm da nổi cục, chị Xốm đã đến tiêm và tư vấn cách phòng chống dịch và khử trùng chuồng trại. Bây giờ gia đình tôi rất yên tâm".

Chị Quàng Thị Xốm tiêm phòng gia súc cho bà con

Chị Quàng Thị Xốm hướng dẫn cách tái đàn lợn sau dịch tả lợn Châu Phi

          Công việc của cán bộ thú y cơ sở khá vất vả, nhất lại là cán bộ nữ, thường xuyên rong ruổi trên khắp đường làng, ngõ xóm, đến từng hộ để tiêm phòng, chữa bệnh cho đàn vật nuôi, làm việc trong môi trường độc hại vì thường xuyên phải tiếp xúc với chất thải động vật, môi trường nuôi nhốt, chăn thả ô nhiễm, lại nguy hiểm vì đối diện với vật nuôi hung hãn khi tiêm phòng, chữa trị bệnh. Bên cạnh đó, tập quán chăn nuôi của bà con không tập trung, quy mô nhỏ lẻ, người dân có thói quen thả rông gia súc nên việc tiêm phòng cho gia súc càng trở nên vất vả hơn. Chị Quàng Thị Xốm chia sẻ: Trong chăn nuôi bà con chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, vùng sâu vùng xa nên việc đi lại rất là vất vả, khó khăn. Để công tác phòng chống dịch được đúng và đạt được hiệu quả thì chúng tôi cũng rất là nỗ lực. Khi cơ sở báo có lợn ôm, lợn bệnh kể cả ngày, đêm, mưa gió chúng tôi vẫn phải đến lấy mẫu bệnh phẩm và giám sát tiêu hủy tránh lây lan dịch bệnh ra diện rộng".

          Đặc biệt, trong mỗi đợt tiêm phòng, số lượng đàn gia súc lên đến hàng chục nghìn con, chưa kể tiêm phòng dại cho chó và đàn gia cầm. Để tiêm phòng theo kế hoạch đã đề ra, có những đợt chị Xốm phải mất hơn 2 tháng mới tiêm xong, một số nơi người dân không phối hợp tiêm phòng cho gia súc, chị phải đến tận nhà tuyên truyền, vận động.

          Dẫu công việc vất vả nhưng chị Xốm đều có tinh thần trách nhiệm cao trong công tác. Bởi chị hiểu vai trò quan trọng của mình trong phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, chỉ một sơ suất nhỏ sẽ dẫn đến thiệt hại lớn đến "gia tài" của người nông dân. Gia đình chị Lừ Thị Nga ở bản Nà Và, xã Viêng Lán là hộ nuôi lợn thịt đã nhiều năm nay, trung bình mỗi lứa gia đình nuôi từ 10 - 15 con. Tháng 8/2021, đàn lợn của gia đình chị bị dịch tả lợn Châu phi phải tiêu huỷ 13 con. Trong thời gian đó, gia đình chị được chị Xốm đồng hành cùng gia đình trong việc vệ sinh, phun khử trùng chuồng trại. Hiện nay, chị Nga đang tái đàn để phát triển kinh tế. Chị Lừ Thị Nga cho hay: Trong thời gian tháng 8 năm ngoái gia đình tôi có bị dịch tả lợn Châu phi. Sau tiêu hủy có bên thú y huyện, đặc biệt là chị Xốm có đến hướng dẫn về cách tiêu độc khử trùng chuồng trại để tái đàn. Bây giờ hiện tại đang nuôi 8 con, trong quá trình nuôi thì cơ quan thú y cũng thường xuyên hướng dẫn cách chăm sóc đàn lợn sao cho hợp vệ sinh và phòng bệnh tốt hơn".

          Trong những năm qua, mặc dù dịch cúm gia cầm, dịch lợn tai xanh, bệnh lở mồm long móng, dịch viêm da nổi cục... diễn ra trên địa bàn khá phức tạp, thế nhưng đến nay, huyện Yên Châu cơ bản đã khống chế được dịch bệnh, nhất là dịch viêm da nổi cục ở trâu, bò đã được công bố hết dịch. Có được kết quả đó, bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền và người dân địa phương là sự góp sức không nhỏ của những người làm công tác thú y, trong đó có chị Quàng Thị Xốm.

          Với "hành trình" của nghề thú y đầy gian nan, vất vả đã góp phần tôi luyện lên người cán bộ thú y Quàng Thị Xốm mẫn cán, tâm huyết, trách nhiệm với nghề. Chị đã cùng với đội ngũ cán bộ thú y từng bước làm thay đổi tập quán chăn nuôi lạc hậu, giúp người dân tiếp cận với chăn nuôi hàng hóa phù hợp với cơ chế thị trường, cùng với đó tình hình dịch bệnh trên vật nuôi đã được khống chế và đẩy lùi, giúp người dân yên tâm lao động sản xuất./.

Hà Huyền, Hoàng Dương

Tin tức
















Thống kê truy cập
  • Đang online: 18
  • Hôm nay: 276
  • Trong tuần: 5,019
  • Tất cả: 1,155,273