Di tích lịch sử nơi Bác Hồ nói chuyện với nhân dân các dân tộc huyện Yên Châu

 1. Địa điểm phân bố di tích, đường biên:

          - Di tích nằm ở phía Nam thị trấn Yên Châu và cách trung tâm huyện lỵ  Yên Châu 1km xuôi về phía Hà Nội.

          - Phía Đông  (trước mặt) giáp quốc lộ 6A.

          - Phía Nam giáp đường vào bản Vạt.

          - Phía Tây giáp bệnh viện huyện.

          - Phía Tây giáp khu tập thể bệnh viện huyện.

Toàn cảnh di tích lịch sử nơi Bác Hồ nói chuyện với nhân dân các dân tộc huyện Yên Châu

2. Sự kiện, nhân vật lịch sử và thuộc tính của di tích:

Bác Hồ, người cộng sản lỗi lạc, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Cả cuộc đời phấn đấu, hy sinh cho nền độc lập dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân ta. Lúc còn nhỏ tên Nguyễn Tất Thành, trong nhiều năm hoạt động cách mạng lấy tên Nguyễn Ái Quốc. Sinh ngày 19-5-1890 ở làng Kim Liên, Huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An. Sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, nguồn nông dân và lớn lên ở một địa phương mà nhân dân có truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm.

Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình mặc dù bận trăm công ngàn việc của đất nước Bác vẫn thường xuyên quan tâm chăm sóc và dành tình thương yêu tới nhân dân các dân tộc Tây Bắc. Ngay từ những ngày đầu Cách mạng, Bác gửi thư khuyên đồng bào “Từ nay về sau các dân tộc đã đoàn kết càng đoàn kết thêm, đã phấn đấu càng phấn đấu nữa, để giữ gìn độc lập cho vững vàng, xây dựng một đất nước Việt Nam mới giàu mạnh, ấm no và hạnh phúc”. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ mặc dù Bác chưa có điều kiện trực tiếp lên thăm Sơn La, nhưng Bác luôn biên thư, gửi điện thăm hỏi, khen ngợi theo dõi từng bước đi, từng tiến bộ của đồng bào.

Năm 1949, cuộc kháng chiến chống Pháp phát triển mạnh mẽ ở Tây Bắc, TW Đảng quyết định hợp nhất 2 tỉnh Sơn La và Lai Châu thành liên tỉnh Sơn Lai, Bác gửi thư động viên đồng bào, Người viết: “Sơn Lai, tuy ở xa Chính phủ nhưng lòng Chính phủ vẫn ở gần Sơn Lai”. Người còn gửi ảnh tặng đồng bào với lòi dạy: “Thi đua thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”.

Năm 1954, Chiến thắng Điện Biên Phủ làm nức lòng người dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Với khí thế chiến thắng, niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến. Cùng với quân dân cả nước, nhân dân các dân tộc Sơn La hăng hái bắt tay vào khôi phục kinh tế, thi đua sản xuất, xây dựng lại cuộc sống ấm no hạnh phúc. Nhân dân các dân tộc Sơn La mơ ước được đón Bác  lên thăm để nhứng kiến sự đổi đời sâu sắc của đời của đồng bào các dân tộc và mong được Người hướng dẫn chỉ bảo cho những bước đi mới.

Niềm mơ ước ấy đã trở thành hiện thực, ngày 7-5-1959 nhân dịp  kỷ niệm 5 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và 4 năm lập khu tự trị Thái – Mèo, Bác Hồ cùng đoàn đại biểu Chính phủ, trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà tơ Tố Hữu… lên thăm Sơn La. Cuộc mít tinh lớn của hơn một vạn đồng bào đại diện cho 43 vạn quân dân các dân tộc Tây Bắc được tổ chức tại sân vận động Thuận Châu (Thủ phủ của khu Tây Bắc). Cuộc mít tinh biến thành cuộc tuần hành biểu dương lực lượng diễu qua lễ đài. Ai cũng hướng về Bác Hồ để khắc sâu hơn nữa hình ảnh của Người.

Nhân dân nô nức phấn khởi đón Bác, dâng lên những sản phẩm địa phương do chính bàn tay lao động sáng tạo của bà con, thể hiện tấm lòng của đồng bào Tây Bắc.

Mặc dù chuyến thăm Tây Bắc của Bác không dài nhưng Người đã dành thời gian đến thăm và động viên đồng bào một số địa phương như Yên Châu, Mộc Châu.

Năm 1959 là năm lịch sử đáng ghi nhớ đối với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Yên Châu. Điều đặc biệt vinh dự đến với nhân dân các dân tộc Yên Châu là được đón Bác và phái đoàn lên thăm. Sáng ngày 8-5-1959, tại sân bản Khoóng (xã Chiềng An), cuộc mít tinh lớn đón Bác và phái đoàn diễn ra, hơn 2000 cán bộ, bộ đội và đồng bào các dân tộc ở quanh huyện lỵ thay mặt cho tất cả đồng bào trong huyện đã mặc những bộ quần áo đẹp nhất để đi đón Bác. Niềm hạnh phúc lớn lao và giây phút thiêng liêng ấy đã đến. Rừng người, rừng cờ sôi động hẳn lên khi Bác xuất hiện trên lễ đài. Những tràng vỗ tay vang lên không ngớt, Bác giơ tay vẫy chào mọi người, cả rừng người lặng đi trong tiếng nói ấm áp, ân tình của Người. Bác ân cần hỏi thăm sức khỏe của cán bộ và chiến sỹ nhân dân các dân tộc trong Châu. Bác khen: “Đảng, Chính phủ và Bác rất vui lòng khen ngợi đồng bào châu nhà trong kháng chiến đã tổ chức đánh Tây rất tốt, đã giúp bộ đội, cán bộ đánh Tây. Thế là tốt.

Đặc biệt, đồng bào vùng cao sinh hoạt gian khổ, trong kháng chiến rất anh dũng, Đảng và Chính phủ tỏ lời khen.

Từ ngày hòa bình lập lại, đồng bào, cán bộ, bộ đội đoàn kết rất tốt, giúp đỡ nhau tâng gia sản xuất, học bình dân. Như thế là tốt”.

Với phong cách giản dị, với lời nói so sánh dễ hiểu, tình cảm giữa lãnh tụ và nhân dân trở nên gần gũi, thân thiết bao nhiêu trong niềm vui khôn xiết, nhiều cụ già đã cảm dộng trào nước mắt khi nghe Bác hỏi thăm bằng tiếng dân tộc. Bác căn dặn cán bộ, bộ đội và nhân dân các dân tộc Yên Châu là: “Đẩy mạnh sản xuất, làm thủy lợi, bảo vệ rừng, xây dựng tổ đổi công hợp tác xã, xóa mù chữ, giữ vệ sinh, đảm bảo an ninh trận tự, tích cực giúp đỡ đồng bào ở vung rẻo cao, đặc biệt là phải đoàn kết”. Bác giơ nắm tay lên và nhấn mạnh: “Cán bộ, bộ đội, nhân dân phải đoàn kết chặt chẽ như nắm tay thế này”.

Sau đó Bác căn dặn riêng cán bộ: “Cán bộ từ trên xuống dưới…đều là đầy tớ của nhân dân…tức là cán bộ phải chăm lo đời sống của nhân dân, phải giúp nhân dân tổ chức được tổ đổi công, hợp tác xã, dân quân, cán bộ phải đến tận nơi giúp đỡ, bao giờ các tổ chức ở đó thật vững mới thôi. Chỗ nào có nhân dân cần đến mình thì mình phải đến, bất kỳ ở chỗ nào cũng là tổ quốc, là đất nước, cũng là cương vị công tác cán bộ. Vì vậy cán bộ địa phương cùng cán bộ nơi khác đều phải đoàn kết thương yêu nhau, làm gương cho nhân dân địa phương”.

Hình ảnh, những lời dặn dò và sự chỉ bảo ân cần của người mãi còn in đậm trong lòng Đảng viên và nhân dân các dân tộc Yên Châu, là người cổ vũ lớn lao động viên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc vượt qua khó khăn thử thách, thực hiện triệt để chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ đưa châu nhà vững mạnh.

3. Giá trị của di tích:

Nơi Bác Hồ nói chuyện với nhân dân các dân tộc Yên Châu đã đi vào ký ức của người dân Châu Yên nói riêng và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La nói chung. Ở đây đã đánh dấu một sự kiện lịch sử quan trọng: Hồ Chủ tịch cùng phái đoàn Chính phủ đến thăm nhân dân các dân tộc huyện Yên Châu./.

Thông tin mới nhất






Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập