Chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Lượt xem: 850
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, huyện Yên Châu đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp chuyển đổi số, bước đầu đạt kết quả quan trọng trên cả 3 lĩnh vực: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện phát triển bền vững.
anh tin bai

Bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, huyện Yên Châu ban hành kế hoạch triển khai, thực hiện chuyển đổi số huyện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu đưa công nghệ số vào các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Huyện đã thành lập Ban chỉ đạo về chuyển đổi số huyện, tổ giúp việc, ban hành quy chế hoạt động và chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thành lập các tổ chuyển đổi số cộng đồng.

Ông Lù Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, cho biết: Xác định chuyển đổi số là động lực phát triển, huyện triển khai nhiều nhiệm vụ liên quan đến tăng cường quản lý công nghệ thông tin, cải cách hành chính. Đặc biệt, đẩy mạnh truyền thông về chuyển đổi số bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú giúp người dân, doanh nghiệp nhận thấy những tiện ích do chuyển đổi số mang lại, từ đó tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số ở địa phương.

Phát triển chính quyền số, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai quy trình xử lý văn bản hoàn toàn trên môi trường mạng, duy trì sử dụng hiệu quả phần mềm quản lý văn bản điều hành VNPT-ioffice, hộp thư điện tử công vụ; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến 3 cấp tỉnh - huyện - xã, hệ thống phần mềm một cửa điện tử cấp huyện, xã, cổng thông tin điện tử. Duy trì thực hiện phần mềm một cửa điện tử tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, với các lĩnh vực: Tư pháp hộ tịch; đăng ký kinh doanh; tài nguyên môi trường; văn hóa, thông tin, lao động, thương binh - xã hội, nông nghiệp, giáo dục và đào tạo, nội vụ. 

anh tin bai

Đến nay, UBND huyện triển khai 228 dịch vụ công trực tuyến toàn trình; tỷ lệ xử lý hồ sơ trực tuyến toàn trình trên Cổng dịch vụ công quốc gia của huyện đạt trên 80%. Bên cạnh đó, huyện phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn phủ rộng mạng cáp quang, mạng di động băng thông rộng, tạo môi trường thuận lợi trong chuyển đổi số. 15/15 xã, thị trấn có hạ tầng băng rộng cáp quang và triển khai mạng di động 4G; tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh chiếm 83,2%.

Phát triển kinh tế số, huyện đã hướng dẫn, khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cập nhật và triển khai hóa đơn điện tử; đến nay, 100% số doanh nghiệp trên địa bàn đều sử dụng hóa đơn điện tử nộp thuế. Phối hợp với các sở, ngành, hỗ trợ các HTX, hộ sản xuất tiếp cận, nâng cao kỹ năng, nắm được quy trình tham gia quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm trên kênh thương mại điện tử. Từ năm 2022 đến nay, huyện phối hợp tổ chức 5 hội nghị tập huấn về thương mại điện tử; cung cấp những kiến thức cơ bản về thương mại điện tử, quy trình tham gia quảng bá, giới thiệu bán hàng trên nền tảng số đa kênh, như tiktok, zalo, facebook... Hiện nay, huyện đã có gần 10 mặt hàng nông sản, 7 sản phẩm OCOP được đưa lên các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến.

Chị Nguyễn Thị Yến Linh – Giám đốc HTX Tây Bắc chia sẻ: Hiện HTX xã chúng tôi đang áp dụng bán hàng trên các sàn thương mại điện tử soppe, lazada và gần đây nhất là Tictok. Việc sử dụng công nghệ số giúp chúng tôi tiếp cận với khách hàng mạnh mẽ hơn, với nhiều khách hàng hơn nên doanh số cũng tốt hơn cho chúng tôi. Đặc biệt là từ năm 2022 triển khai hóa đơn số và khai thuế điện tử thì rất thuận lợi cho HTX chúng tôi, vì không phải đến tận cơ quan thuế mà có thể ở nhà để làm, việc xuất, nhập hóa đơn rất đơn giản và thuận tiện.

Điểm nhấn trong xây dựng xã hội số trên địa bàn huyện Yên Châu là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục, y tế, như triển khai việc dạy và học trực tuyến, phê duyệt giáo án điện tử trong dạy và học; sử dụng ứng dụng VssID của Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong khám chữa bệnh... Nhiều nhóm dịch vụ công, như điện, nước, chi trả dịch vụ an sinh xã hội đã triển khai thanh toán bằng các phương thức điện tử, không dùng tiền mặt. 

anh tin bai

Trường tiểu học thị trấn Yên Châu có 35 cán bộ, giáo viên và trên 650 học sinh với 21 lớp học. Trước đây, quản lý học sinh, giáo viên phải sử dụng phiếu báo giảng, sổ liên lạc, nay tất cả mọi việc nằm gọn trong ứng dụng VnEdu. Thầy giáo Nguyễn Văn Trung - Hiệu phó Trường Tiểu học Thị Trấn cho biết: Hiện nay chúng tôi sử dụng phần mềm VNedu của hệ thống VNPT để thực hiện đẩy giáo án, quản lý giáo án trên hệ thống đó. Ngoài việc quản lý giáo án trên hệ thống đó, chúng tôi còn sử dụng quản lý học bạ của học sinh cũng trên đó. Qua việc sử dụng quản lý trên hệ thống, tôi thấy rất là thuận lợi, thuận tiện trong quản lý, nhất là quản lý giáo án. Trước đây giáo án phải in ra, quản lý trên giấy tờ, giờ chúng tôi quản lý trên hệ thống rất là thuận lợi, hàng ngày chúng tôi có thể kiểm tra giáo án và có thể kiểm tra bất cứ lúc nào, đi đâu chúng tôi cũng có thể mở ra xem được trên điện thoại thông minh và có thể kiểm tra được giáo án đó như thế nào và có thể duyệt được giáo án đó ngay rất là thuận lợi trong việc quản lý. Kể cả quản lý học bạ của học sinh, chúng tôi cho giáo viên cập nhật thường xuyên trên hệ thống, có thể chỉnh sửa một cách dễ ràng trên hệ thống.

Đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số toàn diện, huyện Yên Châu tiếp tục triển khai các giải pháp xây dựng, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Trần Sơn

Tin tức
















Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1