Thuyết minh trình diễn trang phục áo dài truyền thống
“Duyên dáng và dịu dàng
Chiếc áo thật thiết tha
Nghiêng nghiêng hồn sông núi
Nghiêng nghiêng bóng tre xanh
À ơi tiếng ru hời
Từ xa xưa vọng về…”
Trên sân khấu lúc này là những bộ trang phục áo dài truyền thống Việt Nam với sự trình diễn của các thí sinh đến từ Hội LHPN xã Chiềng Khoi.
Kính thưa quý vị!
Từ bao đời nay, Áo dài luôn được coi là trang phục truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Chiếc Áo dài đã trở thành nét đẹp trong văn hóa của người Việt, là hiện thân của dân tộc. Trang phục truyền thống được dành cho cả nam và nữ, được sử dụng cho mọi lứa tuổi, ở mọi nơi.
“Áo dài Việt Nam- Từ câu ca bước ra Thế giới” - Là biểu tượng văn hóa dân tộc của Việt Nam, là niềm tự hào của người Việt khi chứa đựng trong đó một nét đẹp truyền thống, bao trọn cả ý nghĩa nhân sinh quan và tinh thần dân tộc của người Việt, gắn liền với phong tục, tập quán và văn hóa của người Việt Nam.
Áo dài là di sản văn hóa của Việt Nam: Với thiết kế khá đơn giản, gọn gàng, không cầu kỳ nhưng không kém phần trang trọng, tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam “Tự tin- Tự trọng- Trung hậu- Đảm đang”.
Áo dài theo chân người Việt đi khắp thế giới, không chỉ trong những sự kiện quốc tế quan trọng và sử dụng khá nhiều trong cuộc sống hàng ngày, gắn liền với đời sống, sinh hoạt đời thường của con người Việt Nam.
Đặc trưng áo dài là ôm sát lấy cơ thể, cổ cao và có chiều dài chấm gót chân. Áo dài được xẻ nhẹ nhàng hai bên hông, tuy kín đáo nhưng vẫn tóat lên được vẻ quyến rũ, gợi cảm.
Khoác lên mình bộ trang phục truyền thống người con gái Việt Nam toát lên vẻ đẹp thuần khiết trong sáng, các chiếc áo dài được thiết kế vừa vặn tôn lên đường cong hình chữ S hoàn hảo. Tựa như hình dạng của Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Theo thời gian và dòng chuyển đổi, áo dài cũng có những biến tấu với nhiều đường nét cách tân khác nhau nhưng vẫn giữ nguyên được nét đẹp tế nhị, nền nã của áo dài truyền thống. Áo dài hiện đại đa dạng chất liệu vải, màu sắc, thay đổi đôi chút về kiểu dáng, nhưng luôn tạo nét duyên dáng, thoải mái hơn cho người mặc.
Cho dù xã hội có phát triển và thay đổi đi chăng nữa thì Áo dài vẫn luôn là trang phục mang tính biểu tượng, mang hồn cốt tinh thần Việt, trở thành một nét riêng, bản sắc, không gì có thể thay thế được và không bị hòa lẫn, hòa tan trong bối cảnh giao lưu, hội nhập quốc tế.
Áo dài còn mang biểu tượng gia đình đầm ấm: Đặc biệt vào những ngày tết, lễ, các sự kiện trọng đại của đất nước, của dân tộc, áo dài mang đến cho hàng triệu người Việt được gắn kết với nhau, xích lại gần nhau hơn và để dấu ấn đặc biệt trong bạn bè quốc tế.
Chiếc áo dài không chỉ mang vẻ đẹp duyên dáng, thanh lịch, chỉn chu mà áo dài còn có những ý nghĩa sâu sắc về truyền thống, văn hóa, về chiều dài dựng và giữ nước của dân tộc Việt Nam ta.
Hình ảnh chiếc áo dài truyền thống của người Việt được ví như là 1 thứ ngôn ngữ, vô cùng thân thuộc và rất đỗi tự hào. Cho dù đã trải qua rất nhiều giai đoạn, bao thăng trầm của lịch sử, thì chiếc “áo dài” vẫn luôn ở đó, chưa từng bị đánh mất vị trí độc tôn trong lòng con người Việt Nam.
Cán bộ, hội viên phụ nữ xã Chiềng Khoi hôm nay tự hào khi khoác lên mình bộ trang phục áo dài truyền thống Việt Nam với quyết tâm xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới gắn với xây dựng người phụ nữ Sơn La “Đoàn kết, nhân ái, thân thiện, sáng tạo, khát vọng vươn lên”, vững tin bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.
Thuyết trình trang phục dân tộc Thái
1. Trang phục dân tộc Thái nguyên bản:
Kính thưa quý vị!
Khi nói về vùng đất Tây Bắc, chắc hẳn trong mỗi chúng ta ai cũng nhớ đến vẻ đẹp tuyệt diệu của các loài hoa, cứ mỗi độ xuân về lại đua nhau khoe sắc thắm giữa núi rừng; mỗi loài hoa lại có những nét đẹp riêng, mang đậm sắc màu núi rừng, những bản sắc văn hóa cùng với những công trình thế kỷ đã tạo nên sự hùng vĩ của con người, mảnh đất Sơn La nói riêng và khu vực Tây Bắc nói chung. Trải qua bao sự biến đổi của thời gian, những thăng trầm của cuộc sống, những chiếc áo cóm, áo chàm vẫn còn nguyên giá trị và vẫn mãi trường tồn với thời gian.
Kính thưa quý vị đại biểu,….!
Cùng hướng lên trên sân khấu lúc này là những bộ trang phục truyền thống nam và nữ của dân tộc Thái đen Yên Châu được thể hiện qua phần trình diễn của cán bộ, hội viên phụ nữ xã Chiềng Khoi.
Bộ trang phục nữ gồm có: áo, váy, thắt lưng, xà tích, khăn Piêu và các phụ kiện đi cùng. Điểm nổi bật nhất bộ trang phục nữ vẫn là hai hàng khuy bướm mang nhiều ý nghĩa về nhân sinh, hai hàng khuy bướm được cài đan xen vào nhau tạo thành một đường thẳng thống nhất, nổi bật trên nền áo - đó cũng là ý nghĩa đặc biệt về sự kết nối xe duyên giữa các cặp đôi trai, gái của đồng bào dân tộc Thái. Hai hàng khuy này mang ý nghĩa về sự kết hợp của âm dương. Với bàn tay khéo léo, cùng với đức tính cần cù, chịu khó, sáng tạo của người con gái Thái, những chiếc Váy đã được dệt bằng khung cửi, quây thành hình tròn bởi một đường khâu duy nhất, dệt theo chiều dài của thân váy, cách nhau 2cm nên tên gọi theo tiếng Thái của Váy là “Xỉn ta lai” hay “xỉn xóng máy”, đó là nét riêng trong y phục nữ Thái đen Yên Châu.
Trang phục của nam gồm: Áo, khăn khít, khăn đen cuốn đầu. Trang phục nam người Thái giản dị, ít trang trí hoa văn và chỉ nhuộm một màu đen duy nhất. Áo được dệt từ vải Thái được nhuộm chàm và lá cây rừng có mùi thơm hấp dẫn, người Thái gọi là “sửa thay đăm”. Áo nam dân tộc Thái được may bằng cách gập vải làm 4 để cắt eo sườn rồi khâu sống lưng trước. Áo chàm nam giản dị, mộc mạc nhưng vẫn giữ được nét độc đáo, bản sắc riêng không bị lẫn dân tộc khác.
Dù là trang phục nam hay nữ, những trang phục truyền thống của dân tộc Thái đều do chính bàn tay khéo léo của các chàng trai, cô gái Thái dệt nên bằng tất cả trái tim cùng với sự chăm chỉ, cần cù chịu thương, chịu khó, sáng tạo đã tạo nên những bộ trang phục đặc trưng nhất của đồng bào dân tộc Thái.
2. Thuyết trình trang phục hiện đại (Cách tân) dân tộc Thái đen
Kính thưa quý vị!
“Áo cóm em lên nương, mang sắc hoa bừng nở, Áo cóm em xuống chợ, nứi rừng ngả nghiêng theo”
Đang bước ra sân khấu bộ trang phục váy áo cóm cách tân của dân tộc Thái.
Nếu như trước đây, những chiếc áo cóm được phụ nữ Thái cắt may đơn giản, tuân thủ theo đúng cách truyền thống như:.thì ngày nay, bộ trang phục cách tân với sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, áo cóm vẫn đảm bảo những nét cơ bản, nhưng có thể sử dụng nhiều loại vải khác nhau với nhiều mầu sắc rực rỡ, tay áo có thể may bồng hoặc không, dài tay hoặc ngắn tay. Song cho dù là thời điểm nào thì áo cóm cũng được may bó sát người, gấu áo vừa chớm cạp váy, rất kín đáo nhưng vẫn làm tôn lên những đường nét trên cơ thể của người phụ nữ.
Cùng với sự phát triển của xã hội hiện nay, trang phục truyền thống của người Thái đen không còn đóng kín trong nội tộc, mà có sự giao thoa văn hóa. Đấy cũng là quy luật kết hợp giữa truyền thống và hiện đại đổi mới của văn hóa dân tộc nói chung và văn hóa trang phục nói riêng.
Dù là bộ trang phục truyền thống hay cách tân thì bộ váy áo cóm của người phụ nữ thái đen Yên Châu đều toát lên vẻ đẹp của các chàng trai, cô gái miền sơn cước. Bộ trang phục đó là chúng ta đang góp phần vào việc bảo tồn xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc./.
Mè Thị Điện- Chủ tịch Hội LHPN xã Chiềng Khoi