Địa chỉ: Xã Yên Sơn - huyện Yên Châu - tỉnh Sơn La
(Quyết định số 2234/QĐ-UBND ngày 15/9/2008 của UBND tỉnh Sơn La về việc xếp hạng di tích lịch sử - Danh lam thắng cảnh cấp tỉnh)
1. Địa điểm và đường đến di tích
- Từ ngã ba Cò Nòi, rẽ tay phải đi theo tỉnh lộ 103 khoảng 16 km, dừng xe, đi bộ khoảng 1,5 km là tới hang số 1.
- Đường đi đến di tích thuận tiện bằng phương tiện đường bộ. Hai bên đường cảnh quan rất đẹp, đường được trải nhựa uốn theo các sườn đồi với màu xanh mướt của những nương ngô, rừng cây xanh tốt.
2. Sự kiện, nhân vật lịch sử, đặc điểm của di tích
Như các địa phương khác trong tỉnh Sơn La, Yên Châu ngày nay đã trải qua nhiều lần thay đổi địa giới và tên gọi. Vùng đất giàu đẹp này vốn có lịch sử và tên gọi riêng của mình.
Yên Châu từ thời cổ xưa có tên gọi là Mường Vạt, khi người Thái di cư từ đất Lào sang Mộc Châu và đến định cư tại Yên Châu vào thế kỷ XIII. Khi ấy trung tâm Mường Vạt đóng ở Chiềng Khoóng, nên Mường Vạt còn có tên họi là Chiềng Khoóng. Ý nghĩa và lịch sử của tên gọi này có nhiều ý kiến giải thích: có người cho rằng Mường Vạt là mường nhỏ như vạt áo, người khác lại cho rằng tên gọi này xuất phát từ truyện cổ tích nàng Phồm Hom hay Mường Vạt tức là mường có người đàn ông mặc áo xẻ nách, có miếng vải viền bên trong gọi là Vạt theo tiếng Thái nên gọi là Mường Vạt.
Tuy có nhiều tên gọi khác nhau trong lịch sử nhưng tất cả các tên gọi đó đều chỉ mảnh đất Yên Châu- miền đất có từ lâu đời gắn liền và không thể tách rời với dải đất Tây Bắc, một vùng non nước của Tổ Quốc.
Bản Đán, xã Yên Sơn, trước đây thuộc xã Chiềng On, huyện Yên Châu. Năm 1998 được tách ra thành lập xã Yên Sơn. Hang Chi Đảy là hang đá tự nhiên nằm dưới dãy núi đá vôi trùng điệp có tên là Chi Đảy. Theo tiếng dân tộc Thái có nghĩa là sẽ được . Hang động này được nhân dân địa phương phát hiện từ những năm 70 của thế kỷ XX nhưng do Bản Đán thuộc xã Chiềng On, là một xã biên giới để đảm bảo an ninh trật tự vùng biên nên hang động này không được khai thác phục vụ khách tham quan. Sau khi được phân tách địa giới hành chính thành 2 xã, bản Đán thuộc xã Yên Sơn, những năm gần đây khu hang động này được các cấp chính quyền từ xã, huyện và nhân dân địa phương rất quan tâm và mong muốn hang động này sẽ trở thành một thắng cảnh của tỉnh để sớm được khai thác, phát huy phục vụ nhu cầu phát triển du lịch của địa phương.
3. Khảo tả di tích
Chiềng On là một vùng đất có lịch sử lâu đời, người dân sống ở đây chủ yếu là người Thái, người Xinh Mun, người Hmông và người Kinh. Vùng đất này theo lịch sử, trước đây do người Xinh Mun (Người Xá) dân tộc vốn được mệnh danh là một trong những cư dân đầu tiên khai phá vùng lòng chảo Tây Bắc, khai phá lập nên những bản mường đầu tiên. Khi người Thái di cư từ đất Lào sang thế kỷ XIV, do cuộc thiên di ồ ạt với số lượng đông nên người Xá đã phải chuyển lên những vùng núi để nhường đất cho người Thái. Truyền thuyết trong nhân dân Chiềng On kể lại rằng: " Ngày xưa, khi Vua Thái di dân từ đất Lào sang thì Chiềng On đã là vùng đất của người Xá từ rất lâu. Hai bên tranh giành mảnh đất đó. Vua Xá và Vua Thái cùng nhau bàn bạc và thống nhất tổ chức một cuộc thi bằng hình thức bắn mũi tên vào núi đá, nếu bên nào bắn được 3 mũi tên cắm vào đá thì bên đó sẽ thắng và được làm chủ mảnh đất này. Người Xá lúc đó đã có kỹ thuật rèn đúc vũ khí rất cao, họ đúc được mũi tên đồng để bắn nỏ, nhưng khi người Xá bắn mũi tên đồng vào vách núi thì mũi tên đồng bật trở lại, không cắm được vào vách núi. Người Thái mưu mẹo hơn, họ dùng mũi tên bằng tre mềm hơn, trước khi bắn họ bôi một ít sáp ong vào đầu mũi tên tạo độ dính, khi bắn mũi tên bám vào vách đá. Người Thái đã thắng cuộc nên người Xá đã phải nhường đất đai cho họ. Người Xá di chuyển lên vùng đất cao hơn, chủ yếu sống trong các hang động, cuộc sống tạm bợ. Ở vùng đất này ngày nay, trong các lễ cúng bản, cúng mường của người Thái bao giờ cũng nhắc đến công ơn của người Xá đã có công khai phá mảnh đất Chiềng On".
Theo lời kể của các cụ già ở bản Đán thì người Thái đen đã đến đây ở từ rất lâu đời cho đến khi có chiến tranh, giặc giã, nhân dân đã đi xem xét các nơi để tìm chỗ trú ẩn. Họ thấy dãy núi đá vôi này có vị trí rất thuận lợi trong việc sơ tán, là nơi dân vừa có thế trú ẩn, sinh hoạt vừa có thể tăng gia sản xuất, khi người ta đến vùng đất này đã thốt lên: "Chi đẩy, chi đẩy" (Sẽ được, sẽ được). Từ đó vùng núi này mang tên Chi Đẩy. Hiện nay, vùng đất Chi Đẩy thuộc bản Đán, xã Yên Sơn, dân cư ở đây chủ yếu là người Thái Yên Châu.
Thắng cảnh hang Chi Đảy là những hang động tự nhiên được kiến tạo do tác động của mạch nước ngầm trong lòng núi đá vôi. Di tích gồm có 3 hang động nằm cùng trên một dãy núi đá vôi có rừng cây bao phủ.
Hang thứ nhất: Quay mặt về hướng Tây, cửa hang cao, rộng, giống như hình một con cá sấu khổng lồ đang há miệng đớp mồi. Hang này thuộc dạng hang catxtơ do núi đá vôi kiến tạo, bồi đắp qua hàng vạn năm. Trong lòng hang rộng, cao, có chỗ lên đến 30m với nhiều khối nhũ đá vôi muôn hình muôn vẻ. Bước vào hang ta thấy như bước vào một ngôi nhà mát mẻ, thoáng đãng, ngay cửa vào là một khối đá hình con sư tử đang nằm phủ phục chầu vào một khối đá khác hình một pho tượng phật bà quan âm ngồi trên toà sen, xung quanh là các con thú khác đang đùa giỡn. Trần hang tương đối phẳng như được dát một lớp bạc mỏng, khi ánh sáng chiếu vào ta thấy lấp lánh ánh kim. Phía trong là những khối nhũ đá như hình cây thóc to, rồi đến những cây vàng, cây bạc...một cột đá lớn nối từ mặt đất lên đến trần hang như cột đồng trụ nối liền âm dương. Hang thứ nhất không rộng lắm nhưng cảnh quan tương đối đẹp với nhiều khối nhũ đá tạo nên một cảnh sắc thiên nhiên hài hoà, đẹp mắt.
Cảnh trong hang số 1
Hang thứ hai: Liền kề bên tay phải của hang thứ nhất, mặt quay hướng Tây - Bắc. Hang này cũng có vòm hang rộng, cao, có độ dài lòng hang khoảng 600m, có chỗ rộng tới 50m. Bước vào hang là một khoảng rộng để ta có thể dừng chân nhìn khái quát quang cảnh của hang. Bên phải là một ngách hang giống như một căn buồng của công chúa với sự trang trí cầu kỳ, sang trọng đó là muôn vàn những tia đá như cẩm thạch được phun ra từ vách hang tạo thành những đường diềm trang trí muôn màu sắc óng ánh. Bên cạnh buồng công chúa cũng là những cây cột đá cũng được trang trí cầu kỳ bằng những tia đá cẩm thạch nối từ trần hang xuống tận đất. Đây thực sự là một sự kiến tạo độc đáo của thiên nhiên mà chắc chắn ít hang động có được.
Cửa hang số 2
Đi tiếp vào sâu bên trong, một dòng nước chảy lâu ngày ăn sâu vào trong đá khiến ta liên tưởng đến một dòng nước suối trong mát vẫn đang chảy suốt ngày đêm, bên cạnh đó là bồn tắm của công chúa với sự kiến tạo của dòng nước chảy tạo thành những đường diềm bao quanh bồn uốn cong, mềm mại.
Giữa hang là một bãi rộng trông giống như một cánh đồng, một khu ruộng bậc thang với đất đai màu mỡ và nhiều loại hoa màu được tạo nên bởi vô vàn những viên cuội to nhỏ. Cánh đồng thứ nhất như một sân thóc, những hạt thóc mẩy căng đang được phơi dưới nắng thể hiện sự no ấm của nông dân. Cánh đồng thứ hai là những củ khoai tây vừa được thu hoạch nhưng chưa được chọn lựa nên của to, củ nhỏ nằm đan xen nhau. Cánh đồng thứ ba là các loại hoa quả vừa được thu hái về với những quả bưởi, quả na, quả cam... Do dòng chảy của nước, của thời gian đã tạo nên nét đặc biệt cho hang động này.
Bên cạnh cánh đồng, nhìn lên phía trên cao ta thấy một khối nhũ đá lớn như ngai vàng của một ông vua, bên trên có lọng che, ông vua đang mỉm cười, hiền từ nhìn xuống những cánh đồng, vui vẻ vì sự no ấm của muôn dân.
Đi tiếp vào phía trong chúng ta thấy mình như đang lạc vào thế giới của những câu chuyện cổ tích. Cảnh sắc đẹp như một bức tranh vẽ của thiên nhiên ban tặng: chỗ này là một cánh rừng nguyên sinh với bạt ngàn cây cối, chỗ kia là dòng thác chảy tung bọt trắng xoá, những đàn thú đang ăn cỏ, uống nước trong rừng.
Nhìn sang bên cạnh ta thấy tượng Quang Trung Nguyễn Huệ đứng oai hùng cạnh quân sĩ của mình. Cuối hang là một khối tượng cao lớn như phật bà quan âm đang ngồi trên toà sen, trên tay là một cành nguyệt quế với đôi mắt hiền từ bà đang nhìn xuống trần gian ban phát thiện tâm cho con dân trăm họ.
Cảnh trong hang số 2
Hang thứ ba: Là hang có diện tích rộng nhất, quay mặt hướng Nam, có chiều dài khoảng 1.200m, chỗ rộng nhất khoảng 50m, cách hang thứ hai khoảng 800m. Hang này còn có tên gọi là hang Voi vì trong hang có hình một con voi đá trắng rất lớn. Hang được chia thành bảy khoang có diện tích khác nhau.
Tảng đá voi trắng gắn liền với truyền thuyết voi khổng lồ bị nhốt trong hang
Khoang thứ nhất: có diện tích khoảng 50m2, đây là phần cửa hang, là nơi du khách dừng chân trước khi vào ngắm cảnh hang.
Khoang thứ hai: có độ cao khoảng 30 m, diện tích khoảng 100m2 với những khối nhũ đá lớn được nối từ trần hang xuống đất trông giống như các nhóm tượng.
Khoang thứ ba: Bước vào khoang thứ ba ta sẽ thấy một khối nhũ đá lớn như hàng vạn cây nấm nhỏ được xếp chồng lên nhau. Trên trần là hàng trăm bầu vú mẹ đang cho đàn con bú.
Khoang thứ tư: Đi qua một ngách hang nhỏ, giống như hòn trống mái ta sẽ vào khoang thứ tư, khoang này rộng khoảng 300m2, chính giữa hang là một đụn lúa cao khoảng 20 m. Bên tay trái là vách hang với những nhũ đá nhìn như một bức phù điêu tả cảnh thiên nhiên hùng vĩ của một thợ điêu khắc tài hoa.
Khoang thứ năm: Bên tay phải là một khối nhũ đá hình con sứa biển với nhiều xúc tua dài trắng muốt, bên trái là một cây nấm khổng lồ cao đến tận trần hang.
Khoang thứ sáu: Đây là phần rộng nhất với những thác nước đổ xuống trắng xoá, với những khối nhũ đá như những rừng cây nguyên sinh xanh tốt. Nhìn tổng thể ta thấy như là một bức tranh thuỷ mặc đẹp tuyệt vời tả cảnh thiên nhiên với bầu trời xanh biếc, cây cối tốt tươi, dòng suối chảy rì rào.
Khoang thứ bảy: Đây là phần cuối cùng trong hang, vách đá bên tay trái là một con voi trắng khổng lồ đang uống nước. Đây là phần ấn tượng nhất trong hang vì vậy nhân dân thường gọi hang này là hang voi. Phía trong cùng giống như là một hậu cung có nhiều khối nhũ đá với các hình thù sinh động.
Nói chung hang thứ ba có diện tích rộng, cảnh quang trong hang sẽ đưa du khách đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác với vẻ đẹp hiếm có của một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp và sinh động.
Cảnh trong hang 3
Thắng cảnh hang Chi Đảy có cảnh quan bên trong rất đẹp, với những khối nhũ đá độc đáo, hiếm thấy ở các hệ thống hang động khác. Các hang đều có diện tích rất lớn, có sức chứa hàng nghìn người. Đường vào khu hang động này cũng như cảnh quan xung quanh rất đẹp với những rừng cây, nương ngô xanh mướt, khu rừng già với nhiều loại gỗ quí, khí hậu mát mẻ, trong lành phù hợp với du lịch sinh thái. Đến với thắng cảnh hang Chi Đảy, du khách còn được thưởng thức những đặc sản của vùng đất Yên Châu với chuối ngọt, soài thơm, nhãn lồng trĩu quả, với những điệu xoè, lời khắp của các cô gái Thái hẳn du khách sẽ còn nhớ mãi.
4. Giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ của di tích
- Theo kết quả khảo sát, nghiên cứu về thực trạng của di tích và các nguồn tài liệu khác, đặc biệt là lời kể của người dân vùng này, di tích thắng cảnh hang Chỉ Đảy là quần thể hang động nằm cạnh nhau, cảnh quan nơi đây hoang sơ, u tịch, gắn với vùng đất có lịch sử lâu đời, với các hệ thống nhũ đá nguyên sơ, hình tượng phong phú được thiên nhiên kiến tạo qua hàng chục vạn năm và ngày nay vẫn tiếp tục được bồi đắp. Hang Chi Đảy là một hang đá tự nhiên được kiến tạo do tác động của mạch nước ngầm trong núi đá vôi nằm dưới dãy núi trùng điệp. Hang có diện tích lớn, có sức chứa hàng nghìn người, cảnh quan bên trong rất đẹp với những khối nhũ đã độc đáo, hiếm thấy ở các hang động khác. Đồng thời là tác phẩm tạo hình vĩ đại của thiên nhiên, với sự hiện diện của hàng ngàn nhũ đá, muôn hình, muôn vẻ như những bức tranh hoành tráng mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất nơi này. Đây thực sự là món quà quý giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người và cùng đất nơi đây.
- Hang động có lịch sử lâu đời, được nhân dân địa phương phát hiện từ những năm 70 của thế kỷ XX.
- Di tích thắng cảnh hang Chi Đảy là một di tích có một thắng cảnh đẹp, địa điểm thuận lợi nếu được quan tâm đầu tư sẽ là tâm điểm cho phát triển kinh tế du lịch của địa phương và của tỉnh.