Di tích quốc gia đặc biệt Khu di tích lịch sử Cách mạng Việt Nam - Lào
Lượt xem: 7058

Địa chỉ: Xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La  Quyết định xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia số 1240/QĐ-BVHTTDL, ngày 03/4/2012 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Quyết định số 93/QĐ-TTg, ngày 18 tháng 1 năm 2022 của Thủ tướng chính phủ về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt 

 

1. Tên di tích

Ngày 14/6/1948, Bộ Tổng chỉ huy, Bộ chỉ huy Liên khu 10 ra chỉ thị thành lập Ban xung phong Lào-Bắc gồm có 14 người. Đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản được cử làm trưởng Ban xung phong, ông Thạo Hanh- phó trưởng ban, ông Đông Tùng làm chính trị viên. Ban xung phong Lào-Bắc được giao nhiệm vụ liên lạc với Ủy ban kháng chiến và Tỉnh bộ Việt Minh Sơn La với Ban xung phong Trung Dũng định kỳ sinh hoạt để thống nhất hoạt động và có sự tương trợ lẫn nhau trong khi cần thiết với bộ đội Sơn La (Trung đoàn 148), có nhiệm vụ gây dựng cơ sở trong đất địch, phát động phong trào du kích đào tạo cán bộ địa phương. Chỗ dừng chân và cũng tiến để triển khai thực hiện chỉ thị giao, Ban xung phong Lào-Bắc đã xây dựng vùng căn cứ cách mạng mở rộng trên địa bàn tỉnh Sơn La, hướng tiến sang đất nước Lào. Trong đó địa điểm bản Phiêng Sa (bản Lao Khô), xã Phiêng Khoài (xã Chiềng On trước đây) huyện Yên Châu đã trở thành khu căn cứ cách mạng Việt - Lào chuẩn bị mọi điều kiện cho Ban xung phong Lào-Bắc phát triển các căn cứ cách mạng trên đất nước Lào 1948-1950.

Bản Lao Khô được lấy tên của ông Tráng Lao Khô, dân tộc Mông (1890-1990) đặt cho bản Phiêng Sa từ năm 1962. Bởi ông Tráng Lao Khô và nhân dân bản Phiêng Sa đã có nhiều công lao trong việc giúp đỡ, nuôi dấu đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản và Ban xung phong Lào - Bắc và trở thành căn cứ cách mạng của cách mạng Việt - Lào năm 1948-1950.

2. Địa điểm và đường đi đến di tích

Đến Di tích quốc gia đặc biệt Khu di tích lịch sử Cách mạng Việt Nam - Lào có thể đi theo hai hướng sau:

- Từ trung tâm huyện lỵ Yên Châu theo quốc lộ 6 khoảng 7km hướng Hà Nội - Sơn La rẽ trái theo tỉnh lộ 103 vào xã Phiêng Khoài  34km. Từ trung tâm xã Phiêng Khoài vào bản Lao Khô 13km.

- Từ trung tâm thành phố Sơn La đi Hà Nội đến ngã ba Cò Nòi (Mai Sơn) rẽ phải theo đường tỉnh lộ 103 đi xã Phiêng Khoài 40km. Từ trung tâm xã Phiêng Khoài vào bản Lao Khô 13km.

Đường đến di tích thuận lợi, đi được bằng mọi phương tiện giao thông đường bộ.

Toàn cảnh Di tích quốc gia đặc biệt Khu di tích lịch sử Cách mạng Việt Nam - Lào

3. Sự kiện, nhân vật lịch sử, đặc điểm của di tích

Thực hiện chỉ thị của Bộ Tổng chỉ huy, Bộ chỉ huy Liên khu 10, địa bàn tỉnh Sơn La trở thành chỗ dừng chân và hướng tiến của Ban xung phong Lào - Bắc từ 1948 - 1950. Ban xung phong Lào - Bắc được thành lập, với nhiệm vụ là gây dựng cơ sở chính trị trong quần chúng, xây dựng căn cứ địa Bắc Lào vững chắc. Ban chia thành từng tổ 2-3 người để thâm nhập vào các bản người Puộc ở Tà Xẻng, Lao Hùng, Mong Nam và Xiêng Xá, xây dựng cơ sở trên tả ngạn Sông Mã thuộc Châu Xiềng Khọ. Nhiệm vụ chủ yếu của Ban là góp phần giúp lực lượng kháng chiến ở Lào xây dựng căn cứ cách mạng tại 4 tỉnh phía Bắc Lào là Sầm Nưa, Xiêng Khoảng, Phong-Sa-lỳ và Luông-phra-bang lấy trung tâm là Lao Hùng, Phiêng Xả, Moong Nam, Thà Luông, thuộc huyện Xiềng khọ tỉnh Sầm Nưa (Huả Phăn)

Tháng 4-1948 Ban hành quân qua các địa phương của Việt Nam như Mộc Hạ, Mộc Châu, Mai Sơn, Sông Mã, Phiêng Sa, Phiêng Sa là một bản của người Mông thuộc tỉnh Sơn La của Việt Nam (nay thuộc bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La). Đến Phiêng Sa toàn Ban dừng lại để xây dựng căn cứ và nắm tình hình trước khi hành quân vào đất Lào. Tại khu căn cứ này đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản phái người sang đất Lào để nắm tình hình và có những kế hoạch trước khi tiến sâu vào đất Lào. Trong thời gian hoạt động ở Lao Khô năm 1948, Ban xung phong Lào-Bắc đã đặt căn cứ hoạt động tại hang Thẩm Mế thuộc Lao Mãng (giáp Việt Nam) và huấn luyện quan sự để trở về xây dựng khu căn cứ địa tại huyện Viêng Xay. Trong thời gian này đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản đã được tổ chức bố trí đến ở nhà ông Lao Khô thuộc bản Phiêng Sa.

Ông Tráng Lao Khô (1890-1990), dân tộc Mông, thuộc xã Vân Hồ, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Từ năm 1930 ông và gia đình chuyển từ Vân Hồ, Mộc Châu lên sinh sống tại bản Phiêng Sa, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu. Năm 1948, Ban xung phong Lào - Bắc đã chọn nơi đây làm địa bàn hoạt động bí mật để chuẩn bị xây dựng căn cứ địa cách mạng tại Viêng - xay (Lào). Trong thời gian này, đồng chí Cay-xỏn được bố trí đến ở nhà ông Tráng Lao Khô.  Đồng chí Cay-xỏn được gia đình ông hết sức giúp đỡ, cưu mang và nhận làm con nuôi với trách nhiệm là con cả trong gia đình. Theo phong tục tập quán của dân tộc Mông, sau khi nhận làm con nuôi, gia đình ông Lao Khô cùng đồng chí Cay-xỏn đã tổ chức lễ cắt máu ăn thề tại gia đình. Lễ cắt máu ăn thề này được xem như "bản cam kết" giữa các thành viên trong gia đình ông Lao Khô và đồng chí Cay-xỏn. Mỗi thành viên phải có trách nhiệm tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau coi như anh em trong một nhà, nguyện thề sống chết có nhau. Ông tích cực vận động bà con trong bản Phiêng Sa tạo điều kiện cho đồng chí Cay-xỏn và các đội du kích hoạt động trên địa bàn. Với những công lao to lớn đó, Chính phủ nước CHDCND Lào tặng Huân chương Tự do cho gia đình ông Tráng Lao Khô và Huân chương hạng 3 cho nhân dân bản Lao Khô, tháng 10 năm 2009.

4. Khảo tả di tích

Bản Lao Khô xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La có bề dày truyền thống lịch sử - văn hoá với sắc thái riêng biểu hiện qua ngôn ngữ trang phục tập quán…tạo nên một bức tranh văn hoá đa dạng nhiều màu sắc. Dưới chế độ thực dân Phong kiến đời sống nhân dân vô cùng cực khổ, chủ yếu phụ thuộc vào nương rẫy, săn bắn, hái lượm, kinh tế thiếu thốn quanh năm. Trong hai cuộc kháng chiến chống pháp, Mỹ nhân dân các dân tộc xã Phiêng Khoài đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến. Từ khi đất nước được độc lập, kinh tế văn hoá xã hội ngày càng được phát triển đặc biệt là trong những năm thực hiện đường lối chủ trương của Đảng, đồng bào đã tích cực chuyển cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp sử dụng các giống mới, cuộc sống của nhân dân trong bản được đổi mới trong mọi lĩnh vực. Con người và mảnh đất nơi đây luôn giữ được ý thức đoàn kết dân tộc, tự hào truyền thống lịch sử cha ông. Thế hệ cán bộ, Đảng viên và nhân dân bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài hôm nay và mai sau mãi mãi xứng đáng với truyền thống yêu nước bất khuất tự lực tự cường của các thế hệ đi trước đã góp cho sự nghiệp cách mạng cho mảnh đất nơi đây ngày cành vững mạnh, bảo vệ vùng biên giới an toàn hữu nghị.

Bản Lao Khô có vị trí địa lý hết sức quan trọng. Phía Đông giáp với trung tâm xã Phiêng Khoài, phía Nam và Tây giáp nước CHDCND Lào, phía Bắc giáp xã Chiềng On. Đây là một bản vùng núi cao về phía Tây của xã Phiêng Khoài, tiếp giáp với huyện Xiềng Khọ (tỉnh Sầm Nưa - Lào). Địa hình hiểm trở, núi cao (độ cao trung bình từ 800 -1.000m so với mặt nước biển), có nhiều thung lũng sâu, khu rừng rậm rạp, có dòng suối Mơ Tươi chảy qua. Đó là điều kiện thuận lợi cho việc đóng quân và hoạt động bí mật của các Ban du kích trong thời ký kháng chiến chống thực dân Pháp.

Từ năm 1948, ông Trần Quyết - Bí thư Tỉnh uỷ Sơn La đã chỉ đạo cho Ban xung phong Quyết Tiến (Việt Nam) và Ban xung phong Lào-Bắc lập căn cứ kháng chiến tại bản Phiêng Sa. Từ đây địa bàn hoạt động cách mạng của ta được mở rộng nối liền và bắt liên lạc giữa các tỉnh Bắc Lào với khu căn cứ kháng chiến Mộc Hạ (Mộc Châu, Sơn La)

Di tích quốc gia đặc biệt Khu di tích lịch sử Cách mạng Việt Nam - Lào được đặt tại một thung lũng dưới chân hệ thống núi đất (ngày nay nhân dân địa phương gọi là rừng thông), cách bản Lao Khô là 1 km theo hướng Tây. Khu căn cứ cách mạng này được chia làm 3 khu vực chính:

Khu vực 1: Toàn bộ nền nhà của gia đình ông Tráng Lao Khô đã sinh sống từ những năm 1930 (trước khi chuyển về đây gia đình ông sống tại xã Tú Nang). Sau khi Ban xung phong Quyết Tiến và Ban xung phong Lào-Bắc về đây làm lán, trại chọn nơi đứng chân và lập thành khu căn cứ cách mạng Việt Nam - Lào, gia đình ông Lao Khô đã chuyển sang địa điểm khác để sinh sống (cách địa điểm cũ khoảng 300km về hướng Tây). Thời gian các Ban xung phong và đồng chí Cay-xỏn-Phôm-vi-hản hoạt động cách mạng tại đây, gia đình ông Lao Khô và nhân dân trong bản đã tích cực giúp đỡ, cung cấp lương thực thực phẩm, đưa đường cho cán bộ hoạt động bí mật.

Trải qua thời gian dưới tác động của con người và thiên nhiên hiện nay ngôi nhà của gia đình ông Tráng Lao Khô và lán, trại của Ban xung phong Lào-Bắc không còn nữa. Hiện chỉ còn lại phần nền đất của ngôi nhà với tổng diện tích khoảng 200m2.

Khu vực 2: Cách khu vực 1 khoảng 400m về hướng Tây, đây là một thung lũng giữa núi được bao quanh bởi rừng cây nguyên sinh, và dòng suối Mơ Tươi chảy suốt 4 mùa. Dựa vào địa hình hiểm trở, gia đình ông Lao Khô và nhân dân trong bản đã cất dấu, tiếp tế lương thực, thực phẩm, bí mật dẫn đường cho cán bộ và chiến sỹ các Ban xung phong Quyết Tiến, Lào-Bắc vượt biên giới sang nước bạn Lào hoạt động.

Toàn bộ khu vực này hiện nay là rừng cây nguyên sinh, ao cá của bà con, diện tích khoảng 3.500m2 được chính quyền địa phương và nhân dân bản Lao Khô bảo vệ tốt. Khu vực này dự kiến xây dựng các công trình tưởng niệm phục vụ cho di tích. Để bảo vệ cho khu vực này hiện còn cách rừng nguyên sinh có thể gắn với khu du lịch sinh thái.

Khu vực 3: Toàn bộ khu vực bản Lao Khô hiện nay (gồm 97 hộ gia đình dân tộc Mông với 530 nhân khẩu, trong đó có gia đình ông Tráng Lao Khô).

Một góc của Di tích quốc gia đặc biệt Khu di tích lịch sử Cách mạng Việt Nam - Lào

5. Giá trị của di tích.

Di tích quốc gia đặc biệt Khu di tích lịch sử Cách mạng Việt Nam - Lào tại bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu ghi dấu sự kiện hoạt động cách mạng và xây dựng cơ sở cách mạng trên đất địch (theo chỉ thị thành lập Ban xung phong Lào-Bắc, tháng 6 năm 1948) của Ban xung phong Lào - Bắc và đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản.

Khẳng định tình đoàn kết của quân đội, nhân dân 2 nước Việt Nam - Lào. Khẳng định tinh thần quốc tế cao cả và sự hy sinh to lớn của quân đội và nhân dân Việt Nam giành cho nhân dân Lào. Củng cố tinh thần đoàn kết của hai nước, hai dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Bổ sung nguồn tư liệu lịch sử quý giá lịch sử của hai dân tộc góp phần giáo dục truyền thống yêu nước tình đoàn kết bền vững giữa hai nước Việt Nam - Lào.

Việc tôn tạo, xây dựng di tích sẽ  công trình kiến trúc, văn hóa mang tính nghệ thuật cao, đậm nét văn hóa và hữu nghị Việt Nam - Lào.

Ảnh: Cắt băng khánh thành

Xem chi tiết: Tại đây

Trung tâm Truyền thông - Văn hóa

 

Tin tức
















Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1