Sơn La nỗ lực nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI)
Lượt xem: 428
Xác định việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh là nhiệm vụ quan trọng và trách nhiệm chung của các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, tỉnh Sơn La đã giao trách nhiệm cho Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là công cụ, thước đo quan trọng để đánh giá mức độ thuận lợi về môi trường đầu tư, đánh giá công tác quản lý và điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố. PCI bao gồm 10 chỉ số thành phần: gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai; tính minh bạch; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; tính năng động của chính quyền; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; đào tạo lao động và tính thiết chế pháp lý. Hàng năm, chỉ số này được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố dựa trên kết quả khảo sát các doanh nghiệp. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Sơn La năm 2022 xếp thứ 49/63 tỉnh, thành phố với 63,22 điểm. Xét về thứ hạng tỉnh SơnLa giảm 03 bậc so với năm 2021, xếp vào nhóm Trung bình; xét về điểm số PCI 2022 của tỉnh Sơn La tăng 0,77 điểm so với năm 2021 (năm 2021 xếp thứ 46/63 tỉnh, thành phố; tổng điểm đạt được là 62,45 điểm). Trong 14 tỉnh khu vực trung du và miền núi phía Bắc, Sơn La giữ vị trí thứ 8/14 tỉnh như năm 2021 (63,22 điểm), tỉnh Bắc Giang bứt phá nhất khi tăng 29 bậc vươn lên vị trí thứ 2 cả nước (72,8 điểm), tỉnh Lào Cai tăng 14 bậc so với năm 2021 và xếp ở vị trí thứ 11; các tỉnh Hà Giang, Thái Nguyên cũng tăng đáng kể vị trí xếp hạng chỉ số PCI 2022; Cao Bằng vẫn tiếp tục giữ vị trí thấp nhất khi đứng thứ 63 (59,58 điểm); Điện Biên ở vị trí 62 (59,85 điểm). Trong 10 chỉ số thành phần PCI của tỉnh Sơn La có 5 chỉ số có điểm số tăng so với năm 202, Bên cạnh đó, có 5/10 chỉ số giảm điểm so với năm 2021. Theo đánh giá PCI 2022, một số chỉ tiêu cốt lõi doanh nghiệp đánh giá có nhiều cải thiện như: 78% doanh nghiệp đánh giá việc thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai trong vòng 2 năm qua không gặp bất cứ khó khăn nào về thủ tục; 71% doanh nghiệp đồng ý sự thay đổi bảng giá đất của tỉnh phù hợp với sự thay đổi giá thị trường; 33% tỷ lệ doanh nghiệp tin rằng sẽ được bồi thường thoả đáng khi thu hồi đất (cao hơn trung vị cả nước 7%, đứng thứ 15/63 tỉnh, thành); Số ngày chờ để được cấp GCNQSDĐ bằng trung vị cả nước 30 ngày (tăng 32 hạng so với năm 2021, đứng thứ 25/63 tỉnh, thành). Cộng đồng doanh nghiệp đã có nhìn nhận đánh giá tương đối tốt khi cho rằng họ không gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai và cho rằng sự thay đổi bảng giá đất của tỉnh là phù hợp với sự thay đổi của thị trường; tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng được bồi thường thỏa đáng khi bị thu hồi đất mặc dù chưa cao song đã có nhiều cố gắng và cao hơn trung vị cả nước; số ngày chờ được cấp GCNQSD đất đã được cải thiện tăng 32 hạng so với năm 2021 và đứng thứ 25/63 tỉnh, thành. Qua đánh giá cho thấy mặc dù môi trường kinh doanh đã có chuyển biến tích cực trong thời gian vừa qua nhưng chất lượng thực thi ở cấp huyện và sở, ngành vẫn là một điểm nghẽn lớn, cần được đẩy mạnh việc xử lý các vướng mắc, liên quan nhiều đến điều hành, hướng dẫn của tỉnh còn hạn chế. Trong thời gian tới các Sở, ngành, các huyện, thành phố cần nâng cao kỹ năng điều hành, tăng tính năng động, chủ động, quyết liệt trong giải quyết các vụ việc còn khó khăn, vướng mắc; thể hiện rõ nét hơn mức độ thân thiện giữa chính quyền với doanh nghiệp. Tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa các cấp chính quyền, giữa cấp trên và cấp dưới, gắn với quyền hạn và trách nhiệm; khuyến khích sự năng động, sáng tạo và phát huy tính tích cực, chủ động của các cấp, các ngành trong thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước, phát huy vai trò tham mưu cho UBND tỉnh trong việc nắm bắt và xử lý kịp thời các vấn đề chính sách, tích cực trong việc xử lý các vướng mắc của doanh nghiệp.

  Với quyết tâm đưa Sơn La phát triển đi lên, việc đẩy mạnh các giải pháp để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là điều cần thiết để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong giai đoạn hiên nay. Với nỗ lực và các giải pháp mà tỉnh đã và đang thực hiện, hi vọng Sơn La sẽ đạt được mục tiêu đã đề ra.

     Chi tiết tại đây

Tin tức
















Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1