Phụ nữ xã Chiềng Tương lưu giữ và phát triển trang phục H’mông, gắn với giữ gìn các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống DTTS
Lượt xem: 336
Trang phục là một thành tố văn hóa quan trọng và không thể thiếu trong di sản văn hóa truyền thống độc đáo, rất dễ nhận biết của từng dân tộc. Trang phục truyền thống không chỉ mang đậm bản sắc dân tộc, mà còn chứa đựng những giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử của từng tộc người. Có thể nói di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số nói chung và của dân tộc Mông nói riêng hết sức phong phú và đa dạng về cả giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể.

anh tin bai

Chiềng Tương là xã biên giới của huyện Yên Châu, với 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Đồng bào Mông nơi đây vẫn luôn gìn giữ những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình nhất là trang phục của họ vẫn được lưu truyền đến ngày nay. Nói đến văn hóa của dân tộc Mông, người ta thường nhớ đến đầu tiên là bộ trang phục, nhất là bộ trang phục của phụ nữ, với màu sắc rực rỡ, hoa văn phong phú, nổi bật. Để làm được những bộ váy áo thật đẹp và rực rỡ, những người phụ nữ H’Mông đã phải rất cần cù, chịu khó và trải qua nhiều công đoạn không hề đơn giản. Dù ngày nay cuộc sống của người H'Mông có nhiều thay đổi, tiện nghi và hiện đại hơn nhưng những phụ nữ H’Mông vẫn giữ gìn bản sắc qua trang phục độc đáo của họ. Chị Mùa Thị Día, bản Pa Kha 2, đã làm nghề may trang phục dân tộc Mông đã nhiều năm nay, chị rất yêu nền văn hóa của dân tộc mình, chị bày tỏ: tôi sinh ra và lớn lên là cô gái dân tộc Mông, tôi được bố mẹ và các cụ dạy may quần áo Mông từ nhỏ đến lớn tôi rất yêu trang phục của dân tộc Mông , vì từ khi sinh ra đến lớn trang phục dân tộc Mông dduwwocj ông bà bố mẹ mặc  và truyền cho mình và bây giờ mình rất yêu trang phục  dân tộc Mông, giờ đã lớn và đi lấy chồng tôi vẫn may để mặc và để bán.

Trang phục của người Mông trước đây được làm bằng vải lanh, nay nghề trồng lanh dệt vải đã mai một, do đó, đồng bào dùng vải dệt công nghiệp nhưng cách tạo hoa văn, thêu, trang trí các họa tiết hoa văn vẫn theo lối truyền thống. Trong cuộc sống hiện đại, với sự du nhập của nhiều kiểu thời trang bắt nhịp xu hướng mới, thì những bộ váy áo dân tộc Mông vẫn luôn được yêu thích và được tìm đến nhiều nhất mỗi khi cần đến chất liệu dân tộc trong những sự kiện đặc biệt, hay cần sự sáng tạo nghệ thuật. Trang phục dân tộc Mông ngày nay có sự cải tiến rất nhiều so với truyền thống, và mỗi sự cách tân đều có chủ đích riêng để làm nổi bật thêm những nét độc đáo, riêng có của bộ trang phục này.

Chị Giàng Thị Mìa, chủ tịch phụ nữ xã Chiềng Tương cho hay: Quy trình để sản xuất 1 chiếc váy Mông rất cầu kỳ, đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại, chịu khó của những người phụ nữ H’Mông. Để dệt được một tấm vải, người dân phải làm nương và gieo trồng cây lanh trong khoảng thời gian từ 4 – 5 tháng. Thường thì cây lanh được trồng vào tháng 4 và thu hoạch vào tháng 7 hàng năm. Những cây lanh thẳng, đẹp, có ít mắt sẽ được chọn để hong khô trên gác bếp hoặc phơi nắng trong khoảng một tháng. Sau đó bóc vỏ lanh, tước ra thành từng sợi nhỏ. Việc tước vỏ lanh cũng đòi hỏi sự khéo léo và kỹ thuật để sợi lanh thật đều, dài sợi và không bị đứt. Nối lanh được thực hiện bằng cách chập hai đầu của hai sợi lanh lại, ngọn nối với ngọn, gốc nối với gốc và cuốn thành từng cuộn rồi ngâm nước khoảng 20 đến 30 phút, rồi đem luộc trong nước tro. Công đoạn này được tiến hành nhiều lần cho đến khi sợi lanh luộc xong đem giặt sạch sẽ có màu trắng ngà. Như vậy công việc chuẩn bị sợi đã hoàn tất việc dệt vải sẽ được bắt đầu.

Những bộ trang phục của người H’Mông chính là một tác phẩm nghệ thuật thực sự, nó thể hiện được sự tinh tế, trí tưởng tượng vô cùng phong phú của người dân tộc. Trang phục của người H’Mông mang những nét văn hoá đặc trưng riêng không thể lẫn với bất kỳ trang phục của dân tộc nào khác.Váy của người phụ nữ H’Mông không chỉ riêng chị em người Mông yêu thích mà còn được rất nhiều phụ nữ dân tộc khác ưa chuộng. Chị Giàng Thị Mìa, chủ tịch HLHPN xã chiềng Tương cho biết: trang phục của dân tộc Mông mình đã gắn liền với cuộc sống của người dân từ rất lâu đời rồi và đặc biệt là các ngày lễ, hội  đều mặc trang phục của dân tộc mình. Với thời địa như bây giờ thì đã có sự cách tân đi rất nhiều và các hoa văn của trang phục cũng có rất nhiều kiểu và rất đẹp, tuy nhiên nét đẹp văn hóa của dân tộc Mông vẫn được duy trì và phát triển. để duy trì và phát triển, Hội LHPN xã sẽ tiếp tục tuyên truyền chị em hội viên và nhân dân duy trì phát triển nghề may và mong muốn tiến xa hơn nữa để học hỏi một số huyện bạn khác mà có đã nghề dệt thổ cẩm để về địa phương mình phát huy nghề dệt may của mình để quảng bá sản phẩm trang phục dân tộc Mông đến các huyện bạn, trở thành sản phẩm nét đẹp văn hóa dân tộc mình.

Chiếc váy Mông không những là nét đẹp văn hoá truyền thống của người H’Mông mà còn mang một  ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc bảo tồn, giữ gìn nét đẹp truyền thống qua trang phục của người H’Mông ở Chiềng Tương nói riêng, đồng bào Mông cả nước nói chung. Nếu trang phục truyền thống không còn tồn tại, bị mai một đi sẽ làm mất đi một giá trị văn hóa, tín ngưỡng, giá trị tâm linh và bản sắc của các dân tộc. Chính vì vậy việc bảo tồn và phát huy các giá trị của trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số đang trở thành vấn đề cấp bách trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay.

                                                Hoàng Trang

Tin tức
















Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1