Địa chỉ: Bản Hin Nam, xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La
Quyết định xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh, số 1214/QĐ-UB,
ngày 28/4/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La
1. Địa điểm và đường đến di tích
- Từ huyện lỵ Yên Châu xuôi về Hà Nội, cách huyện lỵ Yên Châu là 2,5km về phía tay phải là di tích cầu sắt Yên Châu.
- Từ di tích cầu sắt Yên Châu, ta rẽ tay phải về hướng Tây và đi lên khoảng 1km là tới di tích “Đồi phòng không”, nơi trận địa pháo cao sạ bảo vệ cầu sắt Yên Châu
2. Sự kiện, nhân vật lịch sử và đặc điểm của di tích
Yên Châu là nơi được thiên nhiên ưu đãi, tập trung nguồn tài nguyên đa dạng: Tài nguyên rừng có vai trò phòng hộ đầu nguồn và tài nguyên khoáng sản. Các dân tộc thuộc huyện Yên Châu sống xen kẽ trên cùng một địa bàn, mỗi dân tộc đều mang tâm lý, trình độ phát triển kinh tế riêng biệt, với văn hóa và tiếng nói khác nhau tạo cho Yên Châu có những sắc thái phong phú và đa dạng.
Yên Châu từ thời cổ xưa có tên gọi là Mường Vạt, khi người Thái di cư từ đất Lào sang Mộc Châu và đến định cư tại Yên Châu vào thế kỷ XIV.
Cầu sắt Yên Châu là cây cầu trọng điểm trên Quốc lộ 6A, con đường Quốc lộ duy nhất đi qua địa phận huyện Yên Châu, với địa hình một bên là núi cao, một bên là vực sâu cho nên đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt chiếc cầu này để cắt đứt đường giao thông trên quốc lộ 6A với mục đích chia cắt viện trợ giữa Trung ương với vùng Tây Bắc và chiến trường phía Bắc Lào
Trong suốt thời kỳ chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ xâm lược, cây cầu nhỏ bé này phải chịu 270 trận oanh kích với 3100 quả bom. Mặc dù địch tập trung đánh phá, cùng với mưa lũ ác liệt, nhưng mạch máu giao thông vẫn được giữ vững. Chiến tranh nhân dân đã sinh ra giao thông nhân dân. Ở đây một cây cầu bị phá hoại thì 2-3 cây cầu khác mọc lên, một đoạn đường bị đứt thì có một đoạn đường mới xuất hiện với phương châm: “Xe chưa đi qua thì cột nhà không tiếc”. Nhiều người dân đã đem theo tre, gỗ, cột làm nhà để phục vụ việc đảm bảo giao thông.
Tại địa bàn xã Sặp Vạt, với lực lượng pháo cao xạ của bộ đội bảo vệ cầu, lực lượng dân quân trong xã có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội bảo vệ cầu và đảm bảo mạch máu giao thông.
Trong lực lượng dân quân có một tiểu đội nữ dân quân gồm 10 chị em với nhiệm vụ chính là bảo vệ cầu và đảm bảo giao thông cho xe qua. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, trận địa của tiểu đội nữ dân quân xã Sặp Vạt được bố trí trên đỉnh một quả đồi đất, nằm ở độ cao 200m so với mặt đường 6. Với nhiệm vụ đánh trả máy bay Mỹ ở tầm thấp, khi chúng bay dọc Quốc lộ 6 để ném bom bắn phá hoại cầu, tiểu đội được trang bị 4 khẩu súng K44 và một khẩu trung liên
Thời gian bắn phá ác liệt nhất là vào tháng 5/1966, lợi dụng đầu mùa mưa, địch tập trung bắn phá dữ dội để hủy diệt chiếc cầu này, có ngày địch huy động tới 4-5 tốp máy bay bắn phá cầu và trận địa trực chiến. Mặc dù phải làm đường ngầm trong điều kiện nước chảy xiết, tiểu đội nữ dân quân vì công việc đã bỏ qua những phong tục của dân tộc mình. Trong đêm tối hoặc dưới ánh trăng, họ bỏ váy đen, mặc lần lót trắng, làm cọc tiêu, tín hiệu sống để xe qua ngầm an toàn. Tiêu biểu trong đội nữ dân quân là chị Cầm Thị Ế, Quàng Thị Lĩnh, xã Chiềng An (nay gọi là Sặp Vạt) đã dũng cảm tháo bom nổ chậm cứu đường, lấp hố bom, sửa chữa đường, đảm bảo giao thông thông suốt ngay trên các trọng điểm bắn phá của địch ở cầu Tà Vài, cầu sắt Yên Châu
Những thành tích này của chị em đã được thạc sỹ Trọng Loan trong chuyến đi công tác vùng Tây Bắc ghi nhận trong tác phẩm: “Người Yên Châu em bắn máy bay”. Bài hát ca ngợi những cô gái dân quân Yên Châu không những đi vào lòng những người dân Sơn La mà còn vang lên khắp cả nước.
Cầu sắt Yên Châu
3. Khảo tả di tích: Khu di tích gồm có 2 phần:
Phần I: Cầu Sắt Yên Châu được làm lại từ năm 1961, thân cầu được làm bằng thép. Đây là chiếc cầu quan trọng trên trục Quốc lộ 6 thuộc địa phận huyện Yên Châu, cầu được bắc qua suối Vạt. Đây là một trong những chiếc cầu bị bắn phá nhiều nhất ở Yên Châu thời kỳ 1965 - 1966, đế quốc Mỹ đã oanh kích 270 trận với 3.100 quả bom, chiếc cầu bị phá hủy hoàn toàn. Hiện tại chỉ còn lại 3 mố cầu bằng bê tông
- Mố thứ nhất: Nằm ở bên bờ trái suối Vạt tính theo đường từ Sơn La đi Hà Nội, cầu sắt mới 60m về phía hạ lưu. Mố này có chiều rộng 1,2m dài 3m, được kết cấu bằng bê tông, cốt thép.
- Mố Thứ hai: Nằm ở bờ phải suối vạt đối diện với mố thứ nhất, có chiều dài 5m, rộng 2m, được kết cấu bằng bê tông cốt thép.
- Mố thứ ba: Được xây dựng dưới lòng suối, cách mố thứ nhất là 6m, vì chỗ này là suối sâu, cách mố thứ hai là 2m, được kết cấu bằng bê tông cốt thép.
Tất cả các dấu vết còn lại chứng tỏ cây cầu trước kia được xây dựng kiên cố đảm bảo cho các loại xe cơ giới qua lại.
Phần II: Trận địa pháo cao xạ: nằm ở độ cao 200m so với đường quốc lộ 6. Trận địa có diện tích khoảng 1.600m2. Tại trận địa này, tiểu đội nữ dân quân được bố trí trực chiến với bộ đội chủ lực pháo phòng không. Cả trận địa được bố trí như sau:
- Hầm, ụ súng đại liên: Đây là căn hầm lớn nhất được đặt hỏa lực của trận địa, nằm ở phía Bắc (Phía cầu sắt). Ở đây được bố trí một giao thông hào chạy qua trận địa dài 16m. Ở giữa có ụ đất tròn đường kính 2m, cao 2m, có một giao thông hào chạy hình vòng tròn ôm lấy ụ đất có độ dài 7m, chiều rộng 1,2m. Tại ụ đất tròn này là nơi đặt khẩu súng đại liên và giao thông hào hình vòng cung là nơi đứng bắn. Khi máy bay Mỹ lao xuống ném bom, súng có thể quay mọi hướng để chặt đầu bắn trả máy bay.
Hiện nay căn hầm bị vùi đất chỉ còn lại độ sâu từ 0,5m đến 0,7m
- Hầm chỉ huy: Hầm được bố trí nằm liền kề với hầm đại liên cách 2, chếch về hướng Đông. Hầm có hình vuông rộng 1m, sâu 1m. Hầm được bố trí cao hơn và nông hơn các hầm khác để người chỉ huy quan sát máy bay đến bắn phá được dễ dàng, để điều khiển trận địa bắn trả lại máy bay Mỹ.
Hiện nay hầm còn lại hình dáng cũ, có độ sâu 0,5m.
- Hầm, ụ bắn súng trường và trung liên: Hầm có hình tròn, đường kính 4m, nằm cách hầm chỉ huy 2m, chếch về hướng Nam, ở giữa có ụ đất tròn, cao 2m, đường kính 2m. Chiều sâu giao thông hào chạy quanh ụ súng là 1,7m, rộng 1,2m, cũng giống như hầm đại liên, người bắn súng trường và bắn súng trung liên có thể quan sát và bắn máy bay từ mọi hướng theo hình vòng tròn.
Hiện nay hầm đã bị lấp đất chỉ còn lại độ sâu 0,5m- 0,7m.
- Hầm trinh sát: Được bố trí ở chếch hướng Tây, biệt lập cách 3 hầm chiến đấu là 12m. Hầm có hình tròn đường kính 5m, sâu 1m. Tại hầm này người trinh sát có nhiệm vụ quan sát nắm bắt mục tiêu khi có máy bay địch từ bất cứ hướng nào tới, sau đó thông tin kịp thời tới chỉ huy trận địa chỉ đạo trực tiếp việc bắn máy bay.
Hiện nay, hầm đã bị vùi lấp, chỉ còn lại khu đất trũng sâu từ 0,2m - 0,3m, 3 mố cầu và đồi trận địa pháo cao xạ, một đoạn đường 6 cũ dài 100m
4. Giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ của di tích
Di tích có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử kháng chiến chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của Đế quốc Mỹ ở Yên Châu nói riêng và Sơn La - Tây Bắc nói chung. Những dấu ấn còn lại của di tích đã gợi tả lại quá trình chiến đấu không sợ hy sinh gian khổ chống lại máy bay Mỹ xâm lược của lực lượng dân quân Yên Châu nói chung, tiểu đội nữ dân quân Yên Châu nói riêng. Là một tiểu đội nữ dân quân dân tộc Thái vì nhiệm vụ của đất nước có lúc dám bỏ cả những phong tục của dân tộc mình vì nhiệm vụ thông xe, thông đường, góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của dân tộc.
Phòng Văn hóa và Thông tin