Gặp lại những chiến sỹ điện biên năm xưa
Lượt xem: 837
Đã hơn 70 năm trôi qua, những người lính Điện Biên năm xưa đang sinh sống trên địa bàn huyện Yên Châu vẫn đầy ắp những ký ức không thể nào quên về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đầy gian khó. Bằng ý chí kiên cường, quyết chiến, quyết thắng họ đã góp phần quan trọng tạo nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu của dân tộc. 

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, địa bàn huyện Yên Châu có vị trí chiến lược quan trọng bởi nằm giáp với huyện Mai Sơn, thường xuyên bị địch ở Nà Sản uy hiếp. Đầu năm 1953, chúng chiếm lại Chiềng Đông và dọc đường 41 từ Chiềng Đông đến huyện lỵ. Cao điểm từ cuối tháng 1 đến tháng 12/1953, địch cho các tiểu đoàn, đại đội xuống đóng quân ở các xã Chiềng Pằn, Chiềng Khoi, Viêng Lán. Mặc dù bị địch liên tục tấn công uy hiếp, song nhân dân khắp nơi trong huyện vẫn khẩn trương khai hoang phục hóa, phát triển sản xuất, ổn định đời sống. Đồng thời, hăng hái tham gia cùng với lực lượng bộ đội địa phương và dân quân du kích, phối hợp với bộ đội chủ lực đánh trả quyết liệt nhiều đợt tấn công của địch, tiêu diệt các toán biệt kích gián điệp do địch tung vào hoạt động phá hoại. Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”, Ban Cán sự Đảng và nhân dân Yên Châu đã tập trung huy động cao nhất sức người, sức của, phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ với hơn 300 tấn lương thực, 16 tấn thực phẩm được gửi tới chiến trường, hàng nghìn con em các dân tộc lên đường nhập ngũ, trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. 

anh tin bai

Là một trong những người con dân tộc Thái của quê hương Yên Châu, trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông Mè Văn Sốm, ở bản Pút, xã Chiềng Khoi, năm nay đã 94 tuổi, xong những câu chuyện của ông về chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa vẫn rất liền mạch, dù không còn tròn vành, rõ chữ nhưng những chi tiết, những trận chiến của một thời tuổi trẻ mà ông đã cùng đồng đội vượt qua gian khó chiến đấu, quyết chiến, quyết thắng vẫn in đậm trong tâm trí ông. Tham gia Trung đoàn 148 thuộc Quân khu Tây Bắc, ông cùng đồng đội của mình đã thực hiện các nhiệm vụ vận chuyển lương thực, đạn dược và đảm bảo một số điều kiện cần thiết để bộ đội chủ lực tiến quân lên Điện Biên thuận lợi, an toàn. Ông xúc động nhớ lại: Khó khăn gian khổ nhiều lắm, nằm trong rừng, trong hang, nằm 3-4 ngày mới được ăn. Khi vận chuyển thì xe cộ không có, bốc vác, dùng sức người là chính, mỗi người 30 – 40kg gạo, đạn. Mình phải ngụy trang không cho quân địch biết và phải đi ban đêm, ban ngày thì ngủ trên rừng, trên lán nếu đi ban ngày thì hàng ngày, hàng giờ bom đạn dội xuống thì chết hết. Nhớ nhất là khi bộ đội chủ lực lên điện biên, chúng tôi vận tải các thứ lên tiền tuyến, bảo vệ kho tàng, bảo vệ cầu đường, ô tô. Khi có máy bay địch thì báo hiệu cho ô tô dừng lại, khi máy bay địch đi qua mới báo hiệu để ô tô đi tiếp lên Điện Biên. 

anh tin bai

Còn đối với cựu chiến binh Quàng Văn Mủa ở bản Mệt Sai, xã Sặp Vạt huyện Yên Châu, mặc dù thời gian đã lùi xa, nhưng trong ký ức của ông vẫn nhớ như in những tháng năm hào hùng và khốc liệt của chiến tranh, những ký ức về quá khứ đã trở thành niềm vinh dự, tự hào suốt 70 năm qua với ông và gia đình, lên đường nhập ngũ khi mới gần 20 tuổi, tại Trung đoàn E406 thuộc Quân khu Tây Bắc. Đơn vị ông nhận nhiệm vụ đảm bảo các điều kiện để các đơn vị chủ lực là các Đại đoàn: 308, 312, 316 và các đại đội địa phương ở các tỉnh Sơn La, Yên Bái, Lào Cai và Lai Châu chuẩn bị liên kết sẵn sàng chiến đấu. Ông Mủa nhớ lại: đến tháng 3/1954 nhận nhiệm vụ bảo vệ các tuyến đường từ Cao Đa lên bến phà Tạ Khoa, đèo Chẹn và ngã ba Cò Nòi, an toàn cho các đơn vị chủ lực hành quân và xe kéo pháo qua đèo Chẹn lên Điện Biên. Lúc này, địch dùng các loại bom thả xuống ngã ba Cò Nòi bất kể ngày lẫn đêm. Hơn hai tháng trời, đơn vị phối hợp với lực lượng thanh niên xung phong cuốc đất mở đường cả ngày lẫn đêm, từng phút, từng giờ bám sát theo dõi máy bay địch. Nhận lệnh của Bộ Chỉ huy chiến dịch, đơn vị được giao nhiệm vụ chặn đường rút lui của địch từ Điện Biên Phủ qua Lào, chúng tôi cấp tốc rút quân từ Cao Đa, bến phà Tạ Khoa và đèo Chẹn sang chặn con đường từ Sốp Đung (Lào) sang Nà Cài, Nà Đít. Mặc dù không trực tiếp tham gia chiến dịch, nhưng nhiệm vụ của chúng tôi đã góp phần ổn định hậu phương, giúp tuyến đường vận chuyển hàng hóa, đạn dược luôn được thông suốt. 

anh tin bai

Trên địa bàn huyện Yên Châu hiện có 31 chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Dù đã 70 năm trôi qua, nhưng ký ức về chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của những người con Yên Châu – Những người chiến sĩ Điện Biên. Họ đã cống hiến cả tuổi thanh xuân, cũng như xương, máu của mình góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, mở ra bước ngoặt quan trọng trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên phủ (07/5/1954-07/5/2024), huyện Yên Châu đã thành lập 6 đoàn công tác đến thăm hỏi, tặng quà các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ trên địa bàn huyện. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, góp phần động viên các chiến sĩ Điện Biên năm xưa tiếp tục phát huy tinh thần anh dũng trong chiến đấu, là gương sáng giáo dục con cháu, thế hệ trẻ kế thừa, phát huy truyền thống yêu nước và lòng tự hào dân tộc./.

Hoàng Dương

Tin tức
















Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1